Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo duy trì ổn định hình thái sông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thực hiện, ngày 3/3.
Theo ban tổ chức, cát sông chủ yếu được khai thác ở Đồng bằng sông Cửu Long, phần cuối của sông Mekong. Hiện có hơn 80 công ty được cấp phép khai thác 28 triệu tấn cát sông mỗi năm. Song khối lượng báo cáo và khai thác thực tế rất khó để kiểm soát.
Tại miền Tây, hàng năm lượng trầm tích (cát, bùn, sét) bị thâm hụt khoảng 25 triệu tấn do khai thác cát và bị giữ lại do các nhà máy thủy điện được xây dựng trên hệ thống sông Mekong. Con số này được dự đoán tăng trong các năm tới.
Ông Lê Thanh Chương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai (Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam), cho biết miền Tây hiện có hơn 620 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 610 km. Trong đó, gần 150 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, dài 127 km; 137 điểm nguy hiểm, dài 193 km.
"Nguyên nhân chính gây nên sạt lở sông do dòng chảy đồng bằng, địa chất ven biển mềm yếu, hồ chứa thượng lưu, khai thác cát, xây dựng hạ tầng ven sông và ảnh hưởng giao thông thủy", ông Chương nói. Ở nhiều địa phương, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra do nhu cầu về xây dựng, san lấp rất lớn.
Việc khai thác cát quá mức tác động lớn đến cuộc sống, sản xuất của hàng triệu người dân miền Tây; làm suy giảm sự đa dạng, phong phú của các loài cá và thay đổi thảm thực vật ven sông; gia tăng rủi ro xâm nhập mặn, triều cường, kéo theo mực nước biển dâng cao. Những áp lực môi trường này có thể phá huỷ khả năng chống chịu, đe dọa nền nông nghiệp, kinh tế và đa dạng sinh học của Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia đề xuất thực hiện những nghiên cứu về ngân hàng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó tạo cơ sở khoa học vững chắc cho việc xây dựng những chính sách khai thác cát bền vững, góp phần tăng khả năng tự phục hồi và chống chịu với biến đổi khí hậu của vùng đồng bằng...
Đồng bằng sông Cửu Long rộng hơn 3,9 triệu ha, gồm 13 tỉnh thành với khoảng 18 20 triệu dân. Đây là vùng kinh tế quan trọng, góp hơn 17 % GDP, 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây cả nước.
Cửu Long