Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến lễ thành lập liên doanh hàng không giá rẻ giữa Vinashin và AirAsia. Nguồn: AirAsia. |
Với số vốn pháp định ước tính 30 triệu đôla Mỹ, tương đương 480 tỷ đồng, liên doanh này sẽ cho ra đời hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam dựa trên mô hình AirAsia hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao chính phủ Việt Nam đã tới tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày độc lập của Malaysia hôm 31/8. |
Theo thỏa thuận, phía Vinashin có trách nhiệm giúp liên doanh này có được những phê chuẩn của Chính phủ, của cơ quan quản lý hàng không, và các thủ tục cần thiết khác để thành lập và hoạt động của một hãng hàng không mới.
Phía AirAsia có trách nhiệm giúp liên doanh giành được những hợp đồng mua tàu bay với giá cạnh tranh nhất cùng các điều kiện phù hợp cho việc vận hành một hãng hàng không giá rẻ. Đồng thời, AirAsia cũng hỗ trợ các kinh nghiệm quản lý chuyên môn, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực như thuê, mua tàu bay, dịch vụ cơ khí và bảo dưỡng, đào tạo phi công, phi hành đoàn, tiếp thị hành khách, phân phối, nhượng quyền thương hiệu, hệ thống tài chính, công nghệ thông tin, điều hành, giám sát hoạt động bay.
Giám đốc điều hành tập đoàn AirAsia Tony Fernandes (thứ hai từ trái sang) và Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình (thứ hai từ phải sang) tại lễ ký. |
Ý tưởng mở hãng hàng không giá rẻ của Vinashin và AirAsia mới dừng lại ở việc thành lập liên doanh. Muốn trở thành hãng bay thực sự, hai bên phải có đề án chính thức gửi lên cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không để xin cấp phép khai thác vận chuyển.
Trao đổi với VnExpress sáng nay, Phó cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, Việt Nam khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hàng không, sự có mặt thêm những hãng hàng không giá rẻ mới, bên cạnh Pacific Airlines hiện nay sẽ tăng tính cạnh tranh trên thị trường nhằm phục vụ hành khách tốt hơn. Tuy nhiên, ông Thanh cho biết, Cục vẫn chưa nhận được đề án cấp phép bay của liên doanh nêu trên.
|
Theo Nghị định 76/CP do Chính phủ ban hành ngày 9/5, vốn tối thiểu để một hãng được phép bay quốc tế là 500 tỷ đồng, bay nội địa là 200 tỷ đồng. "Ngoài yêu cầu về vốn, hãng còn phải đảm bảo hàng loạt điều kiện khác, đặc biệt là về an toàn, an ninh hàng không. Không có ngoại lệ nào áp dụng với các hãng hàng không giá rẻ", ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Thanh cho biết thêm, sau khi hồ sơ được gửi lên, Cục sẽ dành thời gian thẩm định xem có đáp ứng các điều kiện theo đúng luật pháp, sau đó trình Bộ trưởng Giao thông Vận tải và bước tiếp theo là trình Chính phủ phê duyệt. Nếu suôn sẻ, hồ sơ có thể được duyệt trong vòng một tháng.
Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 76, chưa có hồ sơ xin cấp phép khai thác vận chuyển được gửi tới Cục Hàng không Việt Nam. Ngoài Saigon Airlines mới đề xuất bằng lời, một doanh nghiệp tư nhân khác cũng đã ngỏ ý với Cục, nhờ tư vấn thành lập hãng hàng không giá rẻ và cấp phép bay.
Tập đoàn hàng không giá rẻ AirAsia với lịch sử 6 năm hoạt động, 57 máy bay, gồm Thai AirAsia và Indonesia AirAsia, đang khai thác trên 75 đường bay nội địa và quốc tế tới Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Ma Cao, Trung Quốc, Singapore, Campuchia, Phillipines và Việt Nam.
Song Linh