Cuộc khai quật do Viện Tài nguyên Núi thuộc Học viện Khoa học Quý Châu thực hiện diễn ra tại khu hang động Shuanghe ở thị trấn Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc. Sử dụng công nghệ xác định niên đại men răng, nhóm nghiên cứu cho biết một trong hai hóa thạch có niên đại cách đây tới 102.000 năm, trong khi bộ xương còn lại khoảng 49.000 năm tuổi.
"Rất hiếm hóa thạch gấu trúc lớn được bảo quản tốt như vậy ở bất kỳ đâu", trợ lý nghiên cứu Wang Deyuan tại Viện Tài nguyên Núi nhấn mạnh.
Phân tích mới nhất về khớp được thực hiện bởi các chuyên gia nước ngoài đã chỉ ra bằng chứng về xương vừng xuyên tâm trong hai hóa thạch. Đó là các cấu trúc xương nhỏ nằm bên dưới gân, thường gặp ở các khớp bàn tay hoặc bàn chân.
Vì gấu trúc sử dụng ngón tay cái để cầm và điều khiển tre trong khi ăn, nên các chi của loài này rất khác với những loài gấu khác, đặc biệt là phần xương vừng. Trên thực tế, ngón tay cái của gấu trúc là xương cổ tay to ra một cách bất thường, giúp loài này có thể cầm nắm thức ăn.
Khám phá mới phản ánh rằng gấu trúc từ cách đây hàng chục nghìn tới hàng trăm nghìn năm đã có cấu tạo sinh lý cho phép sử dụng linh hoạt chi trước để cầm nắm măng tre, giống như gấu trúc hiện đại. Điều này giúp hiểu sâu hơn về quá trình tiến hóa của loài đối với đặc tính kiếm ăn của chúng.
Hang Shuanghe là môi trường sống thích hợp cho gấu trúc tiền sử nhờ cấu trúc bên trong phức tạp với nhiều lỗ thông nối tiếp nhau. Đến nay, gần 30 hóa thạch gấu trúc lớn đã được phát hiện tại địa điểm.
Hang động dài nhất Trung Quốc rất giàu tài nguyên hóa thạch động vật có vú. Ngoài xương gấu trúc, nhiều hóa thạch chó rừng, tê giác, gấu đen, voi răng kiếm, cầy giông và các loài thú khác cũng được tìm thấy tại Shuanghe trong các cuộc khai quật trước đây.
Đoàn Dương (Theo CNS)