Trước đây, giới nghiên cứu chỉ tìm thấy xương của gấu hang động (Ursus spelaeus), loài gấu tiền sử sống ở lục địa Á - Âu từ 300.000 đến 15.000 năm trước. Hai mẫu vật được phát hiện trong hai lần khai quật riêng rẽ có ý nghĩa quan trọng. Mô mềm của con gấu trưởng thành vẫn nguyên vẹn sau hàng chục nghìn năm dưới nấm mồ băng. Điều này đem lại cho các chuyên gia hy vọng tìm ra ADN của loài động vật săn mồi ở kỷ Băng Hà.
"Đây là xác gấu hang động hoàn chỉnh với mô mềm đầu tiên và duy nhất trên thế giới. Nó còn nguyên vẹn hoàn toàn với tất cả cơ quan nội tạng. Ảnh chụp cho thấy phần mõm của con gấu vẫn hoàn chỉnh", tiến sĩ Lena Grigorieva đến từ Đại học Liên bang Đông Bắc Nga (NEFU) tại Yakutsk, cho biết.
Nhóm nghiên cứu đến từ NEFU sẽ phân tích hai mẫu vật do những người chăn tuần lộc tìm thấy đầu tiên trên hòn đảo xa xôi. Grigorieva cho biết họ sẽ mời thêm nhiều chuyên gia nước ngoài tham gia nghiên cứu. "Chúng tôi cần tiến hành phân tích bằng đồng vị carbon để xác định độ tuổi chính xác của con gấu", tiến sĩ Maxim Cheprasov ở phòng thí nghiệm Bảo tàng Voi ma mút ở Yakutsk, nhấn mạnh.
Hiện nay, con gấu hang động trưởng thành được cho là có niên đại 22.000 - 39.500 năm. Nhóm nghiên cứu tại Yakutsk sẽ tiết lộ thêm nhiều chi tiết về con gấu non trong vài tuần tới. Trong những năm gần đây, giới chuyên gia lần lượt phát hiện xác voi ma mút, tê giác lông xoăn, sư tử hang động và chó sói cổ đại khi lớp băng vĩnh cửu ở Siberia tan chảy.
An Khang (Theo Siberian Times)