Khu mộ tập thể đã ẩn mình dưới bề mặt cồn cát tại bãi biển Whitesands Bay ở quận Pembrokeshire, phía tây nam xứ Wales, trong hơn 1.000 năm cho đến khi bị phát lộ bởi mưa bão và xói mòn tự nhiên. Địa điểm này được cho từng là trạm buôn bán của một cộng đồng Cơ Đốc giáo thời Trung Cổ.
Các nhà nghiên cứu từ tổ chức Dyfed Archaeological Trust và Đại học Sheffield của Anh đang chạy đua với thời gian để bảo vệ khu chôn cất cổ đại này khỏi nước biển xâm lấn, cũng như khám phá những bí mật khác mà cồn cát có thể còn che giấu.
"Chúng tôi đã tìm thấy khoảng 200 bộ xương và 90 trong số đó đã được di dời khỏi địa điểm trong ba tuần qua. Điều này thực sự quan trọng vì nó là phát hiện hiếm có ở Wales", trưởng nhóm khai quật Jenna Smith từ Dyfed Archaeological Trust nhấn mạnh.
Phân tích của Đại học Sheffield cho thấy các hài cốt thuộc về cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở mọi lứa tuổi. Một số bộ xương nằm trong ngôi mộ được lót và đậy bằng những phiến đá hoặc sỏi thạch anh trắng. Đó là truyền thống mai táng phổ biến trên khắp miền tây nước Anh trong thời Trung Cổ.
Xác định niên đại bằng carbon phóng xạ chỉ ra rằng khu chôn cất này đã được sử dụng từ thế kỷ thứ 6 đến thể kỷ 11. Nó có thể liên quan đến Nhà nguyện St Patrick, một tàn tích từ thế kỷ thứ 11 được phát hiện vào năm 1924 cũng tại Whitesands Bay.
Dyfed Archaeological Trust cho biết thêm rằng vẫn còn nhiều thứ để khai quật trên bãi biển này, bao gồm cả một cấu trúc bằng đá kỳ lạ có từ trước mộ tập thể. Nhóm nghiên cứu hy vọng những gì còn lại sẽ tiết lộ thêm thông tin về những người được chôn cất ở đây, chẳng hạn như năm sinh và chế độ ăn uống của họ.
Đoàn Dương (Theo Metro)