Theo thông báo hôm 27/4 của Cơ quan Cổ vật Ai Cập, những ngôi mộ được khai quật ở di chỉ Koum el-Khulgan cách Cairo khoảng 150 km về phía đông bắc. Trong số đó, 73 ngôi mộ có niên đại 5.000 - 5.500 năm trước, thời kỳ Ai Cập đang trong quá trình thống nhất. Trong thời kỳ này, chữ tượng hình xuất hiện lần đầu tiên và nhà nước tập quyền cũng hình thành với quyền lực đủ mạnh để giám sát xây dựng kim tự tháp.
Nhiều ngôi mộ có hình bầu dục với hài cốt người chôn trong tư thế ngồi xổm, phần đầu hướng về phía tây, phương hướng mà người Ai Cập cổ đại cho là nơi người chết sinh sống. Bên trong một ngôi mộ có hài cốt trẻ em đặt trong chiếc bình. Đồ chôn cất trong các ngôi mộ chủ yếu bao gồm vại gốm, trong đó có chiếc bát trang trí nhiều họa tiết hình học.
37 ngôi mộ khác có niên đại từ năm 1540 đến 1640 trước Công nguyên, thời kỳ Hyksos, nhóm người đến từ châu Á, thống trị miền bắc Ai Cập. Những ngôi mộ này thường có hình chữ nhật, chứa hài cốt người đặt ở tư thế nằm thẳng, đầu cũng hướng về phía tây.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều chiếc nhẫn bạc chôn cùng người chết trong những ngôi mộ hình chữ nhật cùng con dấu bằng đá khắc chữ tượng hình. Người Ai Cập cổ đại thường ấn con dấu như vậy lên đất sét để đóng lên giấy tờ. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện nhiều chiếc nồi và bùa hệ mệnh hình bọ cạp gắn đá bán quý. Họ vẫn đang tiếp tục khai quật và phân tích đồ tạo tác ở di chỉ.
An Khang (Theo Live Science)