Thứ bảy, 27/4/2024
Thứ ba, 28/3/2023, 01:12 (GMT+7)

Khách Việt thăm trại tập trung 'tử thần' của Đức Quốc xã

Ba LanNghĩa Hiệp đã tới trại Auschwitz, di tích lịch sử nổi tiếng châu Âu, một trong những nơi hàng triệu người Do Thái đã phải bỏ mạng vì nạn diệt chủng.

Nguyễn Hữu Nghĩa Hiệp, đang sống tại TP HCM, có dịp ghé thăm trại tập trung Auschwitz - di tích lịch sử nổi tiếng châu Âu, nhân chuyến công tác tại Ba Lan giữa tháng 3. Trước khi đến Auschwitz, anh Hiệp đã tìm hiểu nhiều thông tin về địa điểm này, nhưng trải nghiệm thực tế khác xa những gì anh tưởng tượng. Đây là một trong những nơi mà hàng triệu người Do Thái đã phải bỏ mạng vì nạn diệt chủng.

"Mọi chuyện ở đây là sự thật, là lịch sử chứ không phải là truyền thuyết", anh Hiệp nói.

Auschwitz là trại tập trung tử thần lớn nhất thời Đức Quốc xã (1933-1945). Địa điểm nằm ở phía tây, cách thành phố Krakow khoảng 55 km. Auschwitz là tên gọi bằng tiếng Đức, là nơi tội ác của Đức Quốc xã đã diễn ra. Hiện địa điểm này mở cửa cho khách du lịch tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Anh Hiệp mua tour, mỗi tour kéo dài 6-7 tiếng, gồm cả thời gian di chuyển, giá từ 35 đến 38 euro. Theo nam du khách, tham quan những địa điểm lịch sử này nên đi theo tour vì có người giới thiệu, giải thích những thông tin không đề cập trên Internet.

"Địa điểm này rất rộng và không phải nơi nào cũng được phép vào. Đi theo tour có hướng dẫn viên dẫn từ địa điểm này sang địa điểm khác theo trình tự dễ hiểu", anh Hiệp nói.

Một góc bên trong trại Auschwitz. Trước khi vào tham quan, nhân viên an ninh yêu cầu du khách cầm theo hộ chiếu. Sau đó du khách đi qua cửa soi chiếu tương tự như quy trình kiểm tra tại sân bay.

Anh Hiệp lưu ý du khách không nên làm trò, đùa giỡn hay tạo dáng chào theo kiểu Đức Quốc xã ở đây, có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù.

Theo trật tự chuyến tham quan, đoàn của anh Hiệp được dẫn vào trại Auschwitz I đầu tiên. Tại cổng có dòng chữ "Arbeit macht frei", nghĩa là "Lao động làm nên tự do".

Nam du khách được hướng dẫn viên giải thích dòng chữ này có mục đích làm cho người Do Thái và những tù nhân chính trị tại trại tập trung cảm thấy lạc quan và không nghi ngờ rằng họ đang bước vào chỗ chết. Mỗi ngày hàng nghìn người phải lao động nhiều giờ từ sáng sớm và trở về vào cuối ngày với thân thể mệt mỏi, khiêng theo những xác người chết vì kiệt sức hoặc bị bắn tùy hứng.

Tủ kính lưu giữ những đôi giày, dép của nạn nhân.

Ngoài ra, trại Auschwitz I có những phòng trưng bày hộp chứa khí độc Zyklon B, mô hình tả lại cách giết người bằng khí độc, mô hình lò thiêu tập thể. Khi đi qua những phòng trưng bày vết tích của nạn nhân bị sát hại, anh Hiệp thấy rùng mình trước sự man rợ. Trong hình là

Những cuộn vải được dệt từ tóc của nạn nhân

Đài tưởng niệm các nạn nhân diệt chủng bằng nhiều thứ tiếng.

Năm 1947, Trung tá SS Rudolf Höss - Trại trưởng Auschwitz bị treo cổ ngay tại Auschwitz I. Góc bên phải trong là giá treo cổ, nơi Rudolf Höss bị kết án tử hình vì tội diệt chủng chống lại nhân loại. Năm 1979, những tàn tích nơi đây đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Tàn tích của những phòng hơi ngạt và lò thiêu. Tại đây, hàng trăm nghìn người đàn ông, phụ nữ và trẻ em Do Thái đã bị sát hại bằng khí độc và bị thiêu. Những lò thiêu cũng được sử dụng cho cả tù nhân không phải người Do Thái.

Sau khi rời khỏi trại Auschwitz I, du khách được đưa tới trại Auschwitz II hay còn gọi là Auschwitz II-Birkenau. Kể từ năm 1942, đây là nơi hủy diệt người Do Thái lớn nhất khi phòng hơi ngạt có thể hành quyết lên tới 2.000 người mỗi giờ. Vào giai đoạn cuối Thế chiến thứ II, lực lượng SS của Đức Quốc xã cố xóa đi những vết tích tội ác của họ bằng cách tiêu hủy những phòng hơi ngạt, lò thiêu và những tài liệu liên quan. Tù nhân được chuyển đến Đức, chỉ còn số ít người ở đây được giải phóng bởi Hồng quân Liên Xô, anh Hiệp thuật lại lời kể của hướng dẫn viên.

Đây là Bức tường Tử Thần (Death Wall), nơi các nạn nhân đã bị xử bắn. Bên trên bức tường là lá cờ trắng sọc xanh, tượng trưng cho những người tù đã khuất.

Đoạn đường ray xe lửa dẫn vào trại Auschwitz II-Birkenau được giữ nguyên cho đến ngày nay. "Tôi cảm thấy rùng mình mỗi khi nhìn đoạn đường ray xe lửa đó", anh Hiệp nói.

Bích Phương
Ảnh: NVCC

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net