Thứ năm, 21/11/2024
Thứ tư, 2/10/2024, 10:20 (GMT+7)

Khách Việt 'săn' hồng hạc ở Bolivia

Nhiếp ảnh gia Việt Nam choáng ngợp với số lượng hồng hạc ngoài tự nhiên ở Bolivia và sự duyên dáng trong từng chuyển động của chúng.

Nhiếp ảnh gia Trần Giang Lê Vũ, sống tại TP HCM, có chuyến du lịch Nam Mỹ từ 10/4 tới 10/5 và dành bốn ngày tại Bolivia, quốc gia nổi tiếng với cánh đồng muối Salar de Uyuni. Hành trình của anh Vũ bắt đầu từ Tupiza, đi qua các địa danh nổi bật như Laguna Colorada, Isla Incahuasi và kết thúc tại Uyuni.

Điều khiến anh Vũ ấn tượng nhất trong thời gian ở Bolivia là trải nghiệm ngắm đàn hồng hạc rực rỡ tại hồ nước mặn Colorada - phía tây nam đất nước. Theo Wildlife Conservation Society (WCS), tổ chức bảo vệ động vật hoang dã và môi trường, hồ Colorada là điểm sinh sản lớn bậc nhất thế giới của ba loài hồng hạc gồm Chile, Andes và James.

Nhiếp ảnh gia Lê Vũ chụp ảnh hồng hạc tại hồ Colorada, nằm trong Khu bảo tồn động vật hoang dã Eduardo Avaroa.

"Cảnh tượng trước mắt khiến tôi kinh ngạc", anh Vũ nói về khoảnh khắc thấy đàn hồng hạc. Nam du khách tả từng chuyển động của loài chim này đều toát lên sự duyên dáng, đặc biệt khi chúng vỗ cánh, bay lượn.

Theo BirdLife International, hồng hạc chủ yếu sống ở vùng nước mặn, hồ muối, nơi có nhiều tảo và sinh vật phù du làm nguồn thức ăn. Chúng nổi bật với màu lông hồng đặc trưng do chế độ ăn uống giàu beta-carotene, loại sắc tố tự nhiên có trong nhiều loài thực vật.

Trong hình là loài hồng hạc Chile, một trong ba loài được tìm thấy ở Nam Mỹ, sống chủ yếu tại các hồ nước mặn rải rác từ Chile đến Argentina và Bolivia. Đặc điểm nhận dạng của loài này là lông hồng nhạt, chân và cổ dài.

Những con hồng hạc Andes bay lượn ở khu vực hồ Colorada, có thể nhận ra chúng với phần chân màu vàng. Con non khi mới sinh có lông xám và mất khoảng ba năm để chuyển dần sang hồng.

Một góc hồ Colorada với sắc hồng đặc trưng, một số góc khác có màu đỏ như máu. Bao bọc xung quanh hồ là những ngọn núi thuộc dãy Andes.

Anh Vũ nói từng thấy hồng hạc ở một số khu bảo tồn hay công viên quốc gia nhưng số lượng khổng lồ sống ngoài tự nhiên như tại hồ Colorada "thực sự khiến người xem choáng ngợp". Để có thể ghi lại những khoảnh khắc về loài chim quý, nhiếp ảnh gia cho biết cần sử dụng ống kính tele chụp từ xa vì du khách chỉ được ngắm ở một khoảng cách an toàn.

Hồng hạc James với đôi chân màu đỏ là loài khiến anh Vũ thấy "thỏa mãn" nhất chuyến đi. Đây là loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống, biến đổi khí hậu.

Theo WCS, Chính phủ Bolivia đã thực hiện nhiều biện pháp để duy trì loài này ở hồ Colorada và Laguna de Poopó như giám sát số lượng, sức khỏe. Hiện tại, hồng hạc James là loài hồng hạc hiếm nhất thế giới với số lượng còn khoảng 200.000-300.000 cá thể.

Hồng hạc là loài chim biểu tượng cho sự chung thủy. Suốt cuộc đời, chúng chỉ sống "một vợ một chồng", kể cả khi một con chết trước.

Theo WCS, sự chung thủy giúp tăng khả năng sinh sản và nuôi dưỡng con non thành công. Khi tìm kiếm bạn đời, hồng hạc sẽ thể hiện tình cảm bằng những hành động như múa hoặc chải lông.

Đàn hồng hạc soi bóng trên hồ Colorada.

"Đáng tiếc là hướng dẫn viên không giỏi tiếng Anh nên chúng tôi không được nghe nhiều chuyện thú vị hơn về hồng hạc", anh Vũ nói.

Trong chuyến đi này, nhiếp ảnh gia Việt còn ghé qua hồ Kollpa ở độ cao 4.600 m, gần biên giới Chile. Điểm đặc biệt của Kollpa là mặt nước màu xanh lá cây do ảnh hưởng từ khoáng chất trong đất ở xung quanh.

Sau chuyến đi, nhiếp ảnh gia Việt có thêm động lực để trở lại Nam Mỹ trong thời gian tới và tiếp tục khám phá môi trường sống của hồng hạc ở Argentina, Chile.

Hoài Anh

Ảnh: Levu Tran

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net