Ra nước ngoài là bất khả thi do các hạn chế trong đại dịch, không ngạc nhiên khi nhu cầu du lịch trong nước gia tăng. Trung Quốc có 55 di sản thế giới được UNESCO công nhận, tuy nhiên khách du lịch nội địa không chỉ thích ghé thăm kỳ quan lịch sử và thiên nhiên mà còn muốn tìm kiếm điều gì đó khác biệt.
Hiện tại, người dân tại quốc gia đông dân nhất thế giới đang đổ xô đến các vùng nông thôn. Phần lớn mọi người đều thích đến các vùng ngoại ô, cho con cái ghé thăm trang trại, vườn cây ăn quả... để tận hưởng cuộc sống bình yên. Theo đánh giá của CNN, điều này khiến chính phủ Trung Quốc không thể hài lòng hơn.
Trên mạng xã hội Weibo, một người dùng có tên Ancailie cho biết, sau một ngày hái dâu tằm, ngắm lúa và ăn thức ăn tự trồng, cô cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. Một du khách khác cho biết đến vùng nông thôn đánh cá, ăn hải sản trong dịp nghỉ lễ 1/5 là một trải nghiệm rất vui, vì tránh được đám đông.
Trip.com, một trong những công ty du lịch trực tuyến lớn nhất thế giới, cho biết vào tháng 3, các chuyến du lịch tới vùng nông thôn ở Trung Quốc tăng hơn 300% so với cùng kỳ 2020. Xu hướng này đang hấp dẫn đến mức đơn vị này đang lên kế hoạch 5 năm, để thúc đẩy du lịch đồng quê. Chiến lược này gồm thiết lập 10.000 đại lý du lịch chuyên nghiệp, tập trung vào thị phần này và đầu tư 150 triệu USD.
Zhou Mingqi là nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Quản lý Doanh nghiệp - Hướng dẫn viên Du lịch Thượng Hải. Anh cho biết người dân cảm thấy mệt mỏi vì thiếu hoạt động giải trí, trải nghiệm độc đáo ở các thành phố lớn trong nước. "Họ cần trải nghiệm một cuộc sống khác, như khung cảnh bình dị hay cuộc sống vùng nông thôn, để thay đổi vào mỗi cuối tuần".
Wang Shang làm việc cho một công ty ở Bắc Kinh, chuyên giúp điều phối các chuyến tham quan đến các vùng nông thôn. Cô cho biết hầu hết khách cuối tuần của Shang là học sinh mẫu giáo, tiểu học cùng các bậc phụ huynh.
"Đối với mỗi chuyến đi cả gia đình, chúng tôi sắp xếp các hoạt động hái hoặc trồng rau củ quả để trẻ em tìm hiểu về các loại cây. Phụ huynh sẵn lòng cho con trẻ lấm bùn khi chơi đùa. Khách vào làng uống sữa đậu nành, xem heo con trong chuồng... Họ thích những hoạt động này", Wang nói.
Theo cô, có hai lý do chính khiến mọi người đổ xô tìm đến các tour du lịch đồng quê là sự cô lập và trải nghiệm một lối sống lành mạnh. Một khách sạn mà Shang biết ở tỉnh Sơn Đông, từng trải qua thời điểm khủng hoảng nhất của dịch bệnh khi khai trương vào tháng 5/2020.
Nhưng sau đó, nơi này nhanh chóng kín phòng khi lượng khách đổ xô đến nghỉ dưỡng, nhờ vị trí địa lý hẻo lánh giữa vùng quê - giúp họ tránh xa các nơi có đám đông xô bồ, dễ lây nhiễm bệnh. "Mật độ dân số ở vùng nông thôn thấp hơn thành phố. Trong khi đó công tác phòng dịch lại tốt. Vì vậy, nhiều gia đình đã chọn đến đây", Shang nói.
Ngoài ra, khách du lịch cũng bị thu hút bởi các sản phẩm tươi ngon, lành mạnh ở vùng nông thôn, khi họ luôn phải e ngại vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các thành phố lớn. Du khách từ các thành phố lớn đến đây thường mua bột mì, mì, thịt, trứng, mật ong... Theo các chuyên gia, du lịch đồng quê ở Trung Quốc ngày đang được "nâng cấp" với những dịch vụ tiến bộ, tiện nghi hơn để phục vụ du khách.
Bên cạnh đó, theo CNN, sự phát triển nhanh chóng của xu hướng du lịch đồng quê không chỉ là kết quả tất yếu của đại dịch hay sự đô thị hóa nhanh chóng. Đó cũng là một chính sách của chính phủ.
Trung Quốc đang nỗ lực hồi sinh các vùng nông thôn, giúp người dân ở đây xóa đói giảm nghèo qua nhiều chính sách hỗ trợ, kích cầu. Chính phủ chi 656 triệu USD để phát triển du lịch ở các vùng nông thôn nghèo khó từ 2016 đến 2020. Theo Xinhua, chỉ riêng tỉnh Vân Nam, hơn 800.000 người đã "thoát nghèo" nhờ du lịch đồng quê. Ngành này đã mang lại doanh thu hơn 130 tỷ USD cho tỉnh trong 5 năm qua. Song không phải mọi khoản đầu tư đều đi đến thành công, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận.
Dù sao tình hình hiện tại cũng có nhiều tín hiệu khả quan, Wang Shang tin rằng mọi thứ mới chỉ là bắt đầu. Trong tương lai, xu hướng du lịch đồng quê sẽ tập trung nhiều hơn vào khai thác văn hóa từng địa phương. Cô tin rằng đây là một xu hướng có nhiều tiềm năng, với các tour du lịch có chiều sâu về văn hóa, nhiều sản phẩm du lịch khai thác dựa trên các nét đặc sắc riêng của địa phương.
Còn Zhou Mingqi tỏ ra lạc quan về tương lai của du lịch đồng quê, khi cả những chính sách của chính phủ và nhu cầu thị trường nội địa đều hỗ trợ cho sự phát triển của xu hướng này.
Anh Minh (Theo CNN)