Có lần tôi chở khách nước ngoài bằng xe máy đi trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận, TP HCM). Barrier được nhân viên gác chắn đường sắt kéo xuống chuẩn bị cho đoàn tàu đi qua.
Trong khi tôi nhăn nhó ra vẻ hơi khó chịu thì ông lại tỏ ra vui mừng vì có dịp được ngắm tàu lửa Việt Nam. Ông hỏi tôi chỉ dừng vài phút thôi sao lại phải khó chịu, trong khi thời gian không cần phải gấp gáp.
Tôi chỉ cười nhẹ, bảo ông chờ trong ít phút thôi sẽ có câu trả lời. Cũng không cần chờ đợi lâu, bởi khi đoàn tàu đang băng băng chạy qua, ông thấy bên trái mình bỗng nhiên được lấp đầy bởi dòng người đi ngược chiều.
Chưa kịp ngưng há hốc mồm thì ông lại tiếp tục ngạc nhiên khi đoàn tàu kết thúc toa cuối cùng, để lộ hàng người phía bên kia cũng đang xăm xăm tràn qua. Nghĩa là khi gác chắn được kéo lên, hai bên dàn hàng ngang đối mặt, cố gắng luồn lách để thoát ra khỏi mớ hỗn độn do chính mình tạo ra.
Ông khách tỏ ra không hiểu, bởi với suy nghĩ bình thường của ông, ngoài việc tuân thủ luật lệ giao thông, thì những ai có chút suy nghĩ đều phải biết rằng: đi đúng tuyến của mình, thì cho dù phải dừng chờ tàu qua cũng không mất thời gian bao lâu.
Trong khi đó, nếu cả hai bên cùng dàn hàng ngang, thời gian qua đường sẽ chậm chạp hơn, chưa kể chuyện phải bực tức, làu bàu tranh cãi. Từ thắc mắc của ông khách nước ngoài, thực sự tôi hiểu là không một người Việt Nam tham gia giao thông nào lại không có sự hiểu biết căn bản như vậy.
Bằng chứng là nếu họ thấy lực lượng cảnh sát giao thông thì sẽ không lấn đường, hoặc họ cũng biết mắng người khác nếu họ là người.....đi đúng tuyến. Phải chăng, vì chúng ta luôn có suy nghĩ: mình lấn qua chút xíu thôi mà, rồi người khác nhìn người khác lấn qua được thì cũng nghĩ đơn giản mình cũng chỉ lấn thêm chút nữa thôi.
Và cứ thế, cứ nhìn suốt con đường đang bị ùn tắc, thấy y hệt như chuyện núp đoàn tàu hỏa. Để khi đoàn tàu đi qua, cả hai nhìn nhau đối mặt...và tức tối.
Yên Khán Thu
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.