Tới Peru cách đây không lâu, Woodroffe là một công dân Canada đến từ thị trấn Courtenay nằm ở bờ đông đảo Vancouver, British Columbia. Cảnh sát bắt đầu tìm kiếm du khách Canada sau khi một video được lan truyền trên mạng xã hội từ cuối tuần trước, theo BBC ngày 23/4. Trong đó một người đàn ông được xác định là Woodroffe đang nằm rên rỉ, trong khi một người khác thắt dây thừng quanh cổ anh ta và kéo đi. Xung quanh là những người bản địa đứng nhìn.
Video có nội dung nhạy cảm, độc giả cân nhắc trước khi xem
Video: YouTube.
Giả thiết xoay quanh vụ án
Thi thể của Woodroffe được tìm thấy trong một ngôi mộ không tên vào ngày 21/4. Giới chức Peru công bố, kết quả giám định pháp y cho thấy nạn nhân bị nghẹt thở và thi thể có nhiều vết thương.
Ricardo Palma Jimenez, công tố địa phương, cho biết những nhà chức trách vẫn đang điều tra với nhiều giả thiết về lý do Woodroffe bị giết. Trong khi đó, báo chí địa phương tiết lộ một số người trong bộ tộc buộc tội Woodroffe sát hại Olivia Arévalo, một pháp sư bị bắn chết ngay ngoài nhà mình vào 19/4.
Trong vụ án với Arévalo, cảnh sát không đưa du khách Canada vào danh sách nghi phạm. Song một số người làng nghi ngờ Woodroffe đã ra tay, do anh ta là một trong những khách hàng của Arévalo.
Bà Arévalo là người tộc Shipibo-Conibo, còn được biết đến là pháp sư trong làng, có tiếng nói trong các hoạt động xã hội, bảo vệ quyền lợi và văn hóa của bộ tộc. Vụ ám sát khiến cộng đồng địa phương phẫn nộ, bởi họ đã chứng kiến hàng loạt thủ lĩnh của bộ tộc bị giết hại trong những năm gần đây.
"Một người nước ngoài có thể đến đây và lấy mạng chúng tôi, ngày qua ngày, như giết chó mèo, mà chẳng có chuyện gì xảy ra, chính phủ không can thiệp", một phụ nữ bản địa trả lời trên truyền hình, theo Washington Post.
"Chúng tôi muốn cộng đồng Amazon biết rằng công lý vẫn tồn tại. Nhưng không phải thứ công lý do họ đề ra", công tố viên Jimenez nói với đài TV Peru tại Ucayali.
Lực lượng cảnh sát ít khi xuất hiện tại vùng hẻo lánh của rừng rậm Amazon, do đó tội phạm thường lộng hành nơi đây. Cộng đồng bộ tộc đôi khi phớt lờ cảnh sát để tự tay trừng phạt những người họ nghi ngờ phạm tội.
Nạn nhân đến Peru làm gì
CBC trích lời Yarrow Willard, một người bạn của Woodroffe, rằng anh đã tới Peru nhiều lần để làm thí nghiệm với ayahuasca, một loài thảo mộc gây ảo giác. Willard kể rằng Woodroffe là một người đàn ông hiền lành đang trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa sâu sắc trong đời mình.
Woodroffe tới vùng Ucayali trong rừng mưa nhiệt đới của Peru, với hy vọng theo học một pháp sư biết chữa bệnh bằng thảo mộc của bộ tộc Shipibo. Đó là lý do du khách Canada này có mối liên hệ với pháp sư Arévalo.
"Tôi thấy mình cần có trách nhiệm hỗ trợ nền văn hóa này, giữ lại một phần báu vật của họ cho tôi và gia đình, chia sẻ nó với những ai muốn học hỏi", Woodroffe viết trên trang gây quỹ của mình.
Một người thân mắc chứng nghiện rượu là nhân tố thôi thúc anh quyết định làm điều gì đó để "cứu lấy tinh thần trong gia đình", Woodroffe nói trong một video đăng tải trên YouTube vào năm 2013.
Ayahuasca là gì
Ayahuasca được coi là một trong những loại thuốc gây ảo giác mạnh nhất, bị cấm tại Anh, Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Những pháp sư hoặc thầy lang trong rừng Amazon đã dùng loại thảo mộc này hàng trăm năm qua, để chữa bệnh hoặc phục vụ cho các nghi lễ. Ayahuasca trở nên phổ biến trong cộng đồng phượt thủ tới Amazon, đặc biệt là những người tham gia nghi lễ của các bộ tộc trong vùng.
Nhiều người bỏ mạng vì dính dáng đến Ayahuasca. Trong đó có trường hợp của Henry Miller, sinh viên Anh, vào năm 2014 tại Colombia và Matthew Dawson-Clarke, người New Zealand, tử vong năm 2017. Trong một vụ án khác, du khác người Anh bị một người Canada đâm chết khi cùng tham gia nghi lễ dùng Ayahuasca.
Với trường hợp của Woodroffe, giới chức địa phương cho biết họ sẽ điều tra cho tới khi làm sáng tỏ vụ án với du khách Canada này và pháp sư Olivia Arévalo.