Tháng 6, Charles Kunz ở lại khách sạn Westin Atlanta Airport, thành phố Atlanta và nhìn thấy "con gián lớn nhất từng biết" trên giường của mình vào sáng hôm sau.
Tháng 7, Jeff Coons và vợ dành ba đêm tại khách sạn Sheraton Panama City Beach Golf & Spa Resort ở Florida. Anh nhận thấy việc đeo khẩu trang với nhân viên ở đây nghiêng về "tùy tâm" hơn là bắt buộc, bình xịt khuẩn đặt ở mọi nơi chỉ có một chai. Bệ ngồi toilet trong phòng anh bị hỏng, và dưới gầm ghế phòng khách còn sót lại một khối lego lớn.
Từ mùa xuân năm nay, các khách sạn lớn trên toàn quốc đã đưa chiến dịch làm sạch vào chương trình quảng cáo, nhằm thu hút niềm tin của khách hàng khi đi du lịch trong Covid-19. Nhưng không ít khách thuê phòng khẳng định rằng, nhiều nơi không làm đúng những gì đã hứa. Họ để lại các bình luận trên TripAdvisor, Facebook... về những điều không hài lòng trong việc dọn vệ sinh của các khách sạn, từ các khách sạn cao cấp đến bình dân, từ chuỗi khách sạn đến các nơi cư trú độc lập.
John Wolf, đại diện của tập đoàn Marriott, đơn vị quản lý cả thương hiệu Sheraton và Westin, cho biết công ty đã có "danh tiếng lâu đời trong việc yêu cầu độ sạch sẽ cao trong các khách sạn". Wolf cho biết các tiêu chuẩn vệ sinh này đã được nâng cao nhiều lần từ khi đại dịch bùng phát khắp thế giới và "hiếm" có khách sạn nào thuộc tập đoàn không tuân thủ.
Theo Henry Harteveldt, người sáng lập Atmosphere Research Group, một công ty nghiên cứu thị trường du lịch có trụ sở tại San Francisco, nhiều tập đoàn quản lý các khách sạn có thương hiệu. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, họ không sở hữu hoặc vận hành trực tiếp các khách sạn mang thương hiệu đó. "Bạn thuê phòng ở một khách sạn có gắn tên thương hiệu không nói lên rằng thương hiệu đó đang quản lý trực tiếp khách sạn này".
Còn theo STR, công ty nghiên cứu về chỗ ở, 61% trong số 56.300 khách sạn ở Mỹ hiện nay có thương hiệu. Nhưng phần lớn các khách sạn có thương hiệu đó đều do các bên thứ ba sở hữu và điều hành độc lập. Và đây mới là bên chịu trách nhiệm duy trì tiêu chuẩn về độ sạch ở mỗi khách sạn.
Người chịu trách nhiệm về sự sạch sẽ trong các khách sạn thường là dọn phòng. Lydia Hernandez có thâm niên làm việc 15 năm tại khách sạn Hilton Philadelphia. Khi đại dịch bắt đầu, cô chỉ làm một ngày một tuần. Nhưng gần đây, cô làm 5 ngày một tuần, 8,5 tiếng một ngày. Trước dịch, khách sạn có 35 người làm vệ sinh toàn thời gian. Nhưng trong dịch, con số đó chỉ còn 8 đến 10 người.
Mối quan tâm lớn nhất của Lydia hiện nay là số lượng phòng mà cô được giao dọn dẹp hàng ngày. Trước dịch, cô thường mất nửa tiếng để dọn phòng. Nhưng giờ đây, Lydia buộc phải dọn phòng theo quy trình mới, tuân theo tiêu chuẩn sạch sẽ mới. Chúng gồm việc làm sạch sâu 10 khu vực cảm ứng, kê khai các tiện nghi bằng giấy và đánh dấu trên cửa phòng để biết rằng căn phòng này đã không có người ra vào sau khi được dọn sạch.
Nhưng Lydia cũng than phiền rằng ngày nay, khách thuê phòng bày bừa hơn. Nhiều người rời phòng và để lại một "thảm họa". "Họ uống, ăn khoai tây chiên và làm rơi vãi chúng ra sàn nhà, trong phòng tắm, bồn tắm... Mọi thứ thực sự tồi tệ". Và do vậy, Lydia thường không kịp hoàn thành việc dọn 14 phòng được giao hàng ngày, vì thời gian dọn phòng đều tăng lên, từ 40 đến 60 phút cho mỗi căn. Nếu nơi đó đặc biệt bẩn, thời gian dọn lên đến hơn một tiếng.
Theo một nghiên cứu được công bố vào ngày 26/8 của Hiệp hội Nhà nghỉ và Khách sạn Mỹ, sự sạch sẽ hoặc bẩn thỉu sẽ là yếu tố chính khiến khách du lịch quan tâm. Họ tiến hành khảo sát khoảng 700 khách du lịch, những người thuê phòng từ 5 đêm trở lên tại một khách sạn trong năm 2019. 34% trong số người được hỏi nói rằng sạch sẽ là yếu tố tiên quyết mà họ để tâm khi chọn khách sạn. Các yếu tố khác gồm độ an toàn, giá cả và vị trí nơi lưu trú.
Henry Harteveldt cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát với 2.500 khách vào tháng 7. 75% những người được hỏi bày tỏ lo ngại sẽ bị lây nhiễm nCoV. 80% yêu cầu các khách sạn phải đạt chuẩn về hướng dẫn dọn phòng từ Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa dịch bệnh như: thường xuyên dùng chất khử trùng tại các bề mặt thường xuyên có nhiều người tiếp xúc, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang... Harteveldt nói rằng nếu chủ khách sạn không duy trì các tiêu chuẩn về độ sạch sẽ, họ sẽ mất đi nhiều thứ. Mọi người sẽ chụp lại sự bẩn thỉu của căn phòng, đăng chúng lên mạng và những hình ảnh này sẽ được lan truyền.
Đại dịch đã tàn phá mọi lĩnh vực trong ngành du lịch. Hiệp hội Lữ hành Mỹ công bố vào giữa tháng 8, kề từ đầu tháng 3, ngành du lịch Mỹ đã thiệt hại lũy kế hơn 341 tỷ USD. Một dự báo khác từ STR và Tourism Economic, công ty dự báo phân tích, chỉ ra rằng nhu cầu khách thuê phòng và doanh thu khách sạn tại quốc gia này sẽ không thể phục hồi hoàn toàn cho đến 2023 - 2024.
Hối hận vì bỏ 1.000 USD thuê phòng khách sạn
Anh Minh (Theo New York Times)