Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, thông tư 09/2018 về vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt hiện chưa quy định cụ thể khối lượng, kích thước hành lý xách tay miễn cước và hành lý ký gửi.
Do vậy, quy định mới của ngành đường sắt nêu rõ hành lý xách tay được miễn cước của mỗi hành khách đi tàu không vượt quá 20 kg; kích thước không vượt quá chiều dài 0,8 m, chiều rộng 0,5 m, chiều cao 0,4 m và thể tích 0,16 m3.
Hành khách phải trả thêm phí nếu hành lý xách tay vượt quá trọng lượng và kích thước quy định. Nếu hành lý gây cản trở việc đi lại hoặc gây mất an toàn toa xe, hành khách phải gửi lên toa xe hành lý nếu còn chỗ.
Với hành lý ký gửi, mỗi kiện hàng không vượt quá chiều dài 2,5 m, rộng 0,5 m, thể tích 0,5 m3 và trọng lượng 75 kg. Người gửi hàng phải ghi rõ thông tin cá nhân, loại hàng, số lượng và cung cấp giấy tờ, hóa đơn khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.
Đối với hàng cồng kềnh, một m3 tính cước bằng 300 kg. Mỗi xe đạp được tính cước 50 kg; xe đạp điện các loại, xe máy có dung tích xi lanh nhỏ hơn 50 cm3 tính cước 100 kg; xe máy điện và xe máy từ 50 cm3 đến dưới 125cm3 tính cước 150 kg.
Xe máy các loại có dung tích xi lanh từ 125 cm3 đến dưới 250cm3 tính cước 250kg; xe máy các loại có dung tích từ 250 cm3 đến dưới 500 cm3 tính cước 450kg.
Hiện nay, giá hành lý ký gửi khi đi tàu từ 1.500 đến 5.000 đồng một kg, tùy khối lượng lô hàng vài kg đến hàng trăm kg.
Sau khi đã làm thủ tục gửi hành lý ký gửi, hành khách có thể thay đổi, không gửi toàn bộ hoặc một phần hành lý ký gửi; thay đổi ga đến, người nhận nhưng phải làm thủ tục thay đổi, điều chỉnh trước khi tàu chạy 4 giờ tại các ga có nhận vận chuyển hành lý ký gửi.