Sự quan tâm của du khách Ấn Độ với Việt Nam bắt đầu lớn hơn từ sau đại dịch. Lãnh đạo ứng dụng đặt phòng Agoda tuần trước chỉ ra ngày càng nhiều khách Ấn Độ đổ xô đến Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và dự đoán lượng khách Ấn đến đến Việt Nam "tăng ít nhất 1.000% so trước dịch". Dữ liệu của Agoda chỉ ra lượt tìm kiếm tới Việt Nam của khách Ấn Độ tăng thêm 390% so với năm 2019.
Bà Nguyễn Quỳnh Trang, Quản lý bộ phận marketing của Threeland Travel - đơn vị chuyên đón khách Ấn Độ - cho biết số lượng khách của công ty đã tăng hơn 100% so với trước dịch. Nguyên nhân chính đến từ việc đã có đường bay thẳng giữa hai nước, qua đó rút ngắn thời gian di chuyển cho khách.
Trước kia, khách Ấn Độ qua Việt Nam phải nối chuyến tại Thái Lan, Malaysia hoặc Sinagpore, kéo dài 8-9 tiếng. Do đó, chỉ riêng việc bay đi và bay về đã tốn của khách Ấn Độ hai ngày, trong khi họ không phải nhóm có xu hướng nghỉ dài, thường 5-6 ngày (chưa tính thời gian di chuyển).
Điều này dẫn đến việc khách Ấn Độ tới Việt Nam trước dịch không quá nhiều. Trong năm 2019, có khoảng 169.000 khách Ấn Độ đến Việt Nam, xếp thứ 16 trong danh sách các thị trường gửi khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất.
Bên cạnh lợi thế đường bay, bà Trang nói thêm Việt Nam cũng là điểm đến mới mẻ với nhiều du khách Ấn Độ. So với khách châu Âu đã quá quen thuộc với Việt Nam, Ấn Độ là thị trường dễ tiếp cận và quảng bá hơn. Lượng khách Ấn Độ cũng dồi dào với khoảng 1,4 tỷ dân, chia làm nhiều phân khúc, loại hình du lịch.
Đại diện Threeland Travel nói khách Ấn Độ thường chi khoảng 70-80 USD mỗi ngày cho chương trình tour tại Việt Nam. Chi phí này đã bao gồm khách sạn, ăn uống hay tham quan và tương đương mức khoảng 80 USD ở nhóm khách châu Âu. Vì thế, đón được nhiều khách Ấn Độ sẽ đem về "khoản lợi nhuận tốt" cho các công ty lữ hành.
*Năm 2020, 2021 không có số liệu do ảnh hưởng của Covid-19.
Một báo cáo của Google và Bain & Company vào năm 2021 cho thấy tiềm năng lớn của khách du lịch Ấn Độ. Riêng năm 2018, người Ấn Độ đã có khoảng hai tỷ chuyến du lịch (cả nội địa lẫn quốc tế) và dành khoảng 94 tỷ USD cho chi phí đi lại, ăn ở, mua sắm.
Theo nền tảng thống kê Nation Master, trong năm 2019, Ấn Độ xếp thứ 13 toàn cầu về mức chi tiêu khi du lịch quốc tế với khoảng 28,5 tỷ USD. Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Du lịch Thế giới, mức chi tiêu khi du lịch quốc tế của khách Ấn Độ có thể đạt 45 tỷ USD vào năm 2025 và 91 tỷ USD vào năm 2030.
Năm 2020, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng công bố nghiên cứu chỉ ra khách Ấn Độ là thị trường tiềm năng. Một trong những lý do được đưa ra là sức chi tiêu tốt. Trung bình, chi tiêu của một lượt khách Ấn Độ có nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú là khoảng 1.200 USD - cao hơn trung bình của nhóm khách châu Á đến Việt Nam (khoảng 995,7 USD). Cơ cấu chi tiêu bao gồm một số khoản như thuê phòng (37,61%), ăn uống (24,42%), đi lại (14,71%), mua hàng (13,03%), tham quan, giải trí (7,05%).
Theo giới lữ hành, vấn đề tồn đọng lớn nhất là Việt Nam chưa miễn visa cho khách Ấn Độ. Bà Trang cho rằng khách Ấn Độ có thói quen du lịch ngẫu hứng và đặt dịch vụ sát ngày, thường chỉ đặt trước 10-15 ngày, có khi "đầu tuần nghĩ, cuối tuần đi luôn". Nếu được miễn visa, chi phí cho chuyến du lịch của họ sẽ giảm được khoảng 25 USD và thời gian sẽ thoải mái hơn nhiều, giúp kích thích nhu cầu du lịch Việt Nam từ đất nước tỷ dân này.
Các kiểu khách chính từ Ấn Độ có thể kể đến là khách gia đình (thường một hoặc hai gia đình tự đặt tour riêng); khách ghép đoàn; khách MICE (khách đi hội họp, team building) hay khách đi nước ngoài tổ chức đám cưới - dòng khách được nhận xét là có sức chi cao.
"Nhiều công ty lữ hành đang dựa vào khách Ấn Độ để sống vì đây là nguồn khách dồi dào", bà Trang nói.
Do số lượng dân quá lớn và đa dạng kiểu khách, xu hướng du lịch của du khách Ấn Độ cũng tương đối khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung là họ thích du lịch kiểu truyền thống, muốn tìm những điểm ăn, chơi và thích đến các tòa nhà lộng lẫy, trung tâm thương mại lớn để mua sắm.
Vietluxtour, đơn vị chuyên khai thác dòng khách công vụ Ấn Độ, chỉ ra một số điểm đến được yêu thích của nhóm này là Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh) và một số thành phố biển nổi tiếng khác.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Truyền thông Lữ hành của Vietluxtour, nhận xét khách Ấn Độ có "nhiều yêu cầu về dịch vụ, cầu toàn đến từng chi tiết". Thói quen sinh hoạt, tín ngưỡng của họ cũng cần được chú ý để phục vụ chu đáo nhất.
Đại diện một hãng lữ hành nói khách Ấn Độ "khó chiều nhất" ở khoản ăn uống. Họ hầu như chỉ ăn được thức ăn Ấn Độ, một số người ăn chay nhưng cũng phải là "chay kiểu Ấn Độ". Nếu tập trung vào thị trường Ấn Độ, Việt Nam sẽ cần có nhiều hơn các nhà hàng Ấn để đáp ứng riêng nhu cầu cho họ.
Lượng nhà hàng Ấn Độ ở các thành phố lớn đang dần tăng lên gần đây. Ngay cả Sa Pa (Lào Cai) cũng đã có nhà hàng chuyên món Ấn Độ. Tại TP HCM, một số khách sạn phân khúc cao cấp cũng bắt đầu có thêm khu ăn riêng cho người Ấn Độ hoặc tuyển đầu bếp riêng để phục vụ nhóm khách này. "Đây là câu chuyện cung cầu. Nếu cầu đủ lớn, ắt có cung", người này nói.
Ngoài ra, để phục vụ tốt khách Ấn Độ, cần hiểu về tính cách họ. Nhóm khách này thường thoải mái về mặt thời gian, đôi khi ảnh hưởng đến lịch trình và các hệ thống phục vụ. Họ cũng không "chung thủy với một đối tác" nếu mức giá không cạnh tranh.
Tuy nhiên, "khách Ấn Độ là nhóm tiềm năng cho các công ty du lịch Việt", người này khẳng định.
Tú Nguyễn