"Chúng tôi thấy ngày càng nhiều khách Ấn đến Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia. Lượng khách Ấn đến Việt Nam dự kiến tăng ít nhất 1.000% so trước dịch", Omri Morgenshtern, CEO của ứng dụng đặt phòng Agoda nói.
Agoda cho biết người Ấn Độ đang đi du lịch đến các quốc gia đa dạng hơn thay vì tập trung vào những nơi nổi tiếng như khách thị trường khác. Pháp và Thụy Sĩ là những điểm đến hút nhiều du khách nhất châu Âu. Nhưng đó lại không phải những cái tên nằm trong top 10 yêu thích của khách Ấn. Trước dịch, người dân quốc gia Nam Á này thích đến Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Không có nhiều khách Ấn đến các quốc gia Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc do xa xôi và ít được mọi người biết đến. "Khi chúng tôi nói chuyện với các cơ quan du lịch (Đông Bắc Á), họ công nhận Ấn Độ là một cường quốc đang phát triển và đều có kế hoạch đón khách. Nhưng khi nói đến việc quảng bá các điểm đến cho khách Ấn Độ, họ chỉ mới bắt đầu", Morgenshtern nói.
Tính đến cuối tháng 4, dân số Ấn Độ vượt Trung Quốc và trở thành nước đông dân nhất thế giới theo dữ liệu từ Liên Hợp Quốc, với hơn 1,425 tỷ dân. Mọi con mắt đang đổ dồn vào ảnh hưởng ngày càng tăng của siêu cường Nam Á trên trường quốc tế và ngành du lịch cũng không ngoại lệ.
Đến năm 2024, người Ấn dự kiến chi hơn 42 tỷ USD mỗi năm cho các chuyến du lịch quốc tế. Omri Morgenshtern nói Ấn Độ đang "bùng nổ" về du lịch và là "quốc gia có lượng khách đi du lịch quốc tế đang phát triển lớn nhất" và "không có ngành du lịch của đất nước nào phát triển nhanh như Ấn Độ". Sự phát triển này không chỉ về lượng người đi du lịch. Đất nước đang rót hàng tỷ USD vào việc phát triển ngành công nghiệp hàng không, củng cố vị thế là một trung tâm du lịch.
Chính phủ Ấn Độ đầu năm công bố kế hoạch chi 980 tỷ rupee (11,9 tỷ USD) vào năm 2025 để xây dựng, hiện địa hóa các sân bay trong nước. Sân bay quốc tế Noida, bang Uttar Pradesh, khai trương vào 2024 dự kiến trở thành sân bay lớn nhất châu Á.
Gary Bowerman, người sáng lập Check-in Asia, công ty nghiên cứu và tiếp thị du lịch, cho biết các chính sách nước này thực hiện đang bắt đầu đơm hoa kết trái. "Có nhiều sân bay, nhà ga, cơ sở hạ tầng hơn 10 năm trước", Bowerman nói.
Morgenshtern cho biết sự gia tăng của thị trường outbound (khách Ấn đi du lịch quốc tế) là kết quả đầu tư không chỉ của chính phủ mà còn các hãng hàng không tư nhân. Ấn Độ có nhiều hãng bay giá rẻ cạnh tranh nhau, đưa đến cho người dân mức giá tốt.
Để thu hút nhiều du khách Ấn Độ hơn, Morgenshtern đề xuất các quốc gia cần giảm bớt các hạn chế về thị thực và tăng số chuyến bay từ Ấn Độ. "Khi hai điều này xảy ra, điều kỳ diệu sẽ xuất hiện ở thị trường đang phát triển như Ấn Độ", Morgenshtern nói.
Trong khi thị trường outbound của Trung Quốc tăng vọt trong hai thập kỷ qua, sự bùng nổ của Ấn Độ đến muộn hơn. Trước đại dịch, Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất Đông Nam Á. Năm 2019, các quốc gia Đông Nam Á đã đón 32,3 triệu du khách từ Trung Quốc, nhưng chỉ có 5,3 triệu du khách từ Ấn Độ. Bowerman nói ngành du lịch các nước trong khu vực đang có những động thái mới để không bị quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Họ đã tìm kiếm các thị trường khác thay thế và đó là tin tốt cho Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu Ấn Độ hy vọng vượt qua Trung Quốc ở thị trường khách quốc tế, Bowerman tin rằng phải mất 20 năm. "Bạn không thể bắt kịp trong thời gian ngắn", Bowerman nói.
Anh Minh (Theo CNN)