Ngày 25/7/2020, Đà Nẵng ghi nhận "bệnh nhân 416", nam, 57 tuổi, là ca nhiễm đầu tiên, bắt đầu làn sóng Covid-19 thứ hai.
6 tháng sau, hai ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh được phát hiện sau khi Bộ Y tế ghi nhận "bệnh nhân 1552" và "bệnh nhân 1553". Dịch bùng lên rất nhanh và nhanh chóng lan rộng. Trong vòng một tuần, Bộ Y tế ghi nhận ca nhiễm ở 10 tỉnh thành, trong đó Hải Dương là địa phương tình hình dịch đáng lo ngại nhất cả nước. Vài hôm sau, Covid-19 xuất hiện ở 3 tỉnh thành nữa.
Đánh giá hơn 20 ngày dịch Hải Dương vừa qua, nhìn lại đợt dịch Đà Nẵng năm ngoái, các chuyên gia ngày 19/2 đưa ra 3 điểm khác biệt chính:
Khả năng lây truyền
"So với Đà Nẵng, số ca ở Hải Dương đã vượt xa", ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế Dự phòng nhận định. Tính từ ca đầu tiên ngày 28/1 đến nay, Hải Dương ghi nhận 590 ca nhiễm tại tất cả 12/12 huyện, thành phố. Mỗi ngày ghi nhận trung bình hơn 20 ca. 5 ổ dịch lớn gồm thành phố Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương.
Đợt dịch Đà Nẵng diễn ra trong 36 ngày, ghi nhận 389 trường hợp. Số ca ghi nhận trung bình trong 20 ngày đầu tiên là 15 ca một ngày.
Theo Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Hải Dương ghi nhận số người mắc cao nhất trên tổng 13 tỉnh thành. Trong ngày đầu tiên, Hải Dương ghi nhận 77 ca, sau đó là 48. Đến nay đã hơn 20 ngày, số nhiễm ghi nhận hàng ngày vẫn rất cao. Hai ngày nay mỗi ngày địa phương ghi nhận ít nhất 18 ca.
Đối tượng bị lây nhiễm
Dịch bệnh tại Hải Dương xảy ra tại những cụm công nghiệp có số lượng công nhân rất lớn, dẫn đến lượng truy vết F1 ở đây cao. Từ ngày 25/1, tỉnh đã truy vết 14.000 F1; xét nghiệm 135.421 người.
Ở Đà Nẵng trong 36 ngày, thành phố truy vết hơn 11.000 F1; xét nghiệm 384.613 trường hợp.
Tại Đà Nẵng, nCoV tấn công vào bệnh viện, nơi có nhiều bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền mạn tính nặng gây thiệt hại nặng nề về người. Theo thống kê của Bộ Y tế, đợt dịch Đà Nẵng ghi nhận 35 người tử vong do Covid-19 đều kèm bệnh nền mạn tính nặng. Mất 36 ngày để khoanh vùng và dập dịch.
Còn tại Hải Dương, tính chất nhẹ hơn song số ca nhiễm lớn, 12/12 huyện đều có ca Covid-19. Riêng ổ dịch Cẩm Giàng, TP Hải Dương còn rất phức tạp.
Cục trưởng Khuê cho biết, ở Đà Nẵng trong hai tuần đầu tiên thì số ca nhiễm hàng ngày đã có xu hướng giảm. Trong khi đó hiện tình hình Hải Dương vẫn chưa rõ xu hướng, đồng thời đã xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng. Số lượng người phải cách ly tập trung rất lớn.
Chủng nCoV
Chủng virus tại Hải Dương là biến thể Anh B.1.1.7, có khả năng lây lan nhanh hơn biến thể châu Âu D614G tại Đà Nẵng. Theo các nhà khoa học, biến thể mới của nCoV có khả năng lây truyền nhanh và mạnh hơn 70% so với các chủng trước đó, chưa có cơ sở cho thấy độc lực cao hơn, tại thời điểm nghiên cứu.
Đến nay, các ổ dịch lớn như Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh cơ bản đã được kiểm soát. Các ổ dịch khác như Hải Phòng, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang và Gia Lai không ghi nhận ca mắc trong vòng từ 7 đến 20 ngày qua. Song nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM do người dân từ các địa phương quay trở lại làm việc sau Tết.
Đến sáng 20/2, cả nước ghi nhận 770 ca nhiễm cộng đồng trong 24 ngày qua, đứng thứ 172 trên thế giới, 41 châu Á và thứ 7 Đông Nam Á về số ca nhiễm.
8 tỉnh, thành phố nhiều ngày qua không ghi nhận ca nhiễm mới, gồm Hải Phòng (20 ngày), Hòa Bình (17 ngày), Hà Giang (13 ngày), Điện Biên (13 ngày), Bình Dương (12 ngày), Hưng Yên (9 ngày - ca nhiễm mới ngày 18/2 Hưng Yên được ghi nhận cho Hải Dương), Bắc Giang, TP HCM (8 ngày), Bắc Ninh và Gia Lai (7 ngày).
Bộ Y tế tiếp tục rà soát, truy vết thần tốc, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan các ca nhiễm hoặc đi về từ vùng dịch. Trường hợp đi về từ Cẩm Giàng, Hải Dương từ ngày 15/1 và những người sống cùng nhà phải khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm. Cơ quan chức năng liên tục thông báo những địa điểm nguy cơ để người dân biết, khai báo với cơ quan y tế để được sàng lọc, xét nghiệm kịp thời.
Thùy An