Trong bối cảnh Triều Tiên liên tục tung ra những lời đe dọa sẽ sử dụng "thanh gươm công lý hạt nhân" để biến Mỹ và đồng minh Hàn Quốc thành "tro bụi", nhiều chuyên gia và quan chức đã đặt câu hỏi liệu hệ thống phòng thủ của Lầu Năm Góc có đủ sức chống lại cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng hay không.
Mỹ chưa bao giờ thực sự đối mặt với một cuộc khủng hoảng nào như thế và mặc dù các quan chức nước này tỏ ra khá tự tin về hệ thống phòng thủ họ sở hữu, Lầu Năm Góc phải thừa nhận rằng nó còn tồn tại nhiều lỗ hổng mà Triều Tiên hay bất kỳ quốc gia nào khác không sớm thì muộn cũng có thể khai thác, theo AP.
Một trong những điểm yếu khiến giới quan chức quốc phòng, quân sự Washington đau đầu là việc các tên lửa đánh chặn trong hệ thống phòng thủ của họ hiện rất dễ bắn nhầm mục tiêu nếu tên lửa tấn công của đối phương trang bị mồi nhiệt đánh lạc hướng.
Lầu Năm Góc một thập kỷ qua chi ít nhất 84 tỷ USD cho việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa và dự định dành tiếp 3,3 tỷ USD trong 5 năm tới đầu tư cho duy nhất một bộ phận cấu thành của mạng lưới với tên gọi hệ thống Phòng thủ Mặt đất Giữa hành trình (GMD). Điểm mấu chốt của hệ thống này nằm ở những tên lửa đánh chặn có khả năng khai hỏa từ các hầm chứa dưới lòng đất, cắt ngang hành trình bay của tên lửa đối phương rồi phá hủy mục tiêu.
Tuy nhiên, hệ thống trên đã nếm mùi thất bại ba trong tổng số 4 lần thử nghiệm. Lần thành công duy nhất và gần đây nhất là vào tháng 6/2014.
Phòng Kiểm toán Chính phủ, một cơ quan giám sát của quốc hội, tháng trước cho hay Lầu Năm Góc "chưa cho thấy được rằng họ đủ sức bảo vệ lục địa Mỹ trước những mối đe dọa tên lửa".
Đô đốc William Gortney, tư lệnh Bộ chỉ huy phương Bắc của Mỹ, mới đây phát biểu trước quốc hội, nhấn mạnh rằng Washington cần bổ sung "những lực lượng có năng lực và nhiều lựa chọn khả dĩ hơn" cho hệ thống phòng thủ tên lửa của mình. Những cải tiến quan trọng vẫn đang trong quá trình triển khai, nổi bật là các radar "nhận biết tầm xa" giúp nâng cao khả năng giám sát, theo dõi tên lửa địch.
Triều Tiên cuối tháng trước đe dọa "tung đòn tấn công chết người nhắm vào Mỹ bất cứ lúc nào". Tuyên bố này nhằm phản ứng trước các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn diễn ra từ giữa tháng ba đến cuối tháng 4. Bình Nhưỡng cáo buộc đây là màn diễn tập cho một cuộc xâm lược.
Giới quan sát trước đây đánh giá thấp khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng nhưng trở nên cảnh giác hơn khi Triều Tiên liên tục cho thấy họ đã và đang đạt được nhiều bước tiến quan trọng về công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân và hoàn toàn có khả năng đe dọa an nguy của nước Mỹ.
Triều Tiên hồi đầu năm tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Nước này một tháng sau tiếp tục loan tin đã phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào quỹ đạo, đồng thời khẳng định nắm trong tay công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa đạn đạo.
Bình Nhưỡng hôm 24/3 còn thông báo thử nghiệm thành công động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn. Nếu là thật, đây được xem như một thành tựu đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ của Triều Tiên. Việc sử dụng nhiên liệu rắn giúp thời gian chuẩn bị phóng tên lửa giảm thiểu đáng kể, khiến thời gian cảnh báo đối với Mỹ cũng ngắn lại nếu Triều Tiên thực hiện đòn tấn công chớp nhoáng.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên hồi đầu tháng đưa tin lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-un, đã ra lệnh sớm chuẩn bị "thử nghiệm nổ đầu đạn hạt nhân" và phóng thử "một số chủng loại tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân".
Việc Bình Nhưỡng liên tiếp đưa ra những tuyên bố gây sốc buộc Washington phải chú ý và đề cao cảnh giác, bất kể Triều Tiên có phóng đại hay không, bình luận viên Robert Burns từ AP nhận xét.
Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nói việc Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa "đang ngày càng tạo ra nhiều mối đe dọa đối với Mỹ". Washington hiện đặc biệt lo lắng về một loại tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng với tên gọi KN-08, có tầm bắn lên đến gần 5.500 km, theo báo cáo mới nhất từ Lầu Năm Góc. Vậy nên, nó được liệt vào danh sách tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Ông Gortney nhận định KN-08 sẽ mang đến những "tác động sâu sắc", đặc biệt nếu Triều Tiên lắp chúng trên các phương tiện vận chuyển và dùng như một vũ khí cơ động có thể triển khai ở bất cứ đâu. Khả năng di động này cho phép Triều Tiên né tránh hoặc ít nhất là làm bối rối hệ thống cảnh báo sớm của Mỹ.
Dù chưa xuất hiện nhiều thông tin chi tiết về KN-08, dựa trên mô hình mẫu tên lửa này, ông Gortney cho rằng nó hoàn toàn "có thể vươn tới nhiều nơi trên lục địa Mỹ".
Bộ phận chịu trách nhiệm chính ngăn chặn tên lửa tầm xa Triều Tiên trong hệ thống phòng thủ Mỹ là các tên lửa đánh chặn đặt tại căn cứ Fort Greely, Alaska, và Vandenberg, California. Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel từng thông báo Lầu Năm Góc có kế hoạch bố trí thêm 14 tên lửa đánh chặn tại căn cứ Fort Greely, nâng tổng số tên lửa đánh chặn Mỹ triển khai lên 44. Chi phí ước tính ban đầu vào khoảng một tỷ USD nhưng sau đó tăng lên 1,5 tỷ USD.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuần trước cho biết Lầu Năm Góc đang tập trung cho ra đời một "phương tiện tiêu diệt" hiệu quả hơn. Đây là thiết bị có độ dài khoảng 1,5 m, được gắn trên đầu tên lửa đánh chặn. Hệ thống dẫn đường gắn bên trong sẽ giúp phương tiện đánh chặn lao tới tên lửa đang tấn công và phá hủy mục tiêu bằng lực va chạm.
Vũ Hoàng