Japan Times ngày 5/4 dẫn lời Đô đốc Tomohisa Takei, Tư lệnh lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF), cho biết nước này sẽ triển khai tàu khu trục Ise tham gia cuộc diễn tập hàng hải đa quốc gia do hải quân Indonesia tổ chức từ ngày 12-16/4.
Tàu Ise (DDH-182) là tàu khu trục lớp Hyuga (tàu khu trục trực thăng) thứ hai của MSDF, và cũng là một trong những tàu chiến lớn nhất do Nhật Bản chế tạo sau Thế chiến 2, chỉ đứng sau tàu khu trục Izumo DDH-183 mới đóng.
Dù được MSDF định danh là "tàu khu trục trực thăng", Ise có hình dáng bên ngoài rất giống một tàu sân bay thực thụ với phần boong bằng phẳng và rất rộng. Tàu dài 197 m, rộng 33 m, trọng tải 19.000 tấn, lớn hơn cả tàu sân bay trực thăng của một số quốc gia như Thái Lan, Tây Ban Nha. Ise được trang bị 4 động cơ turbin khí công suất 25.000 mã lực, giúp tàu có thể đạt vận tốc trên 50 km/h.
Video: Tàu khu trục Ise neo đậu tại cảng nhà ở Nhật Bản
Theo Mer et Marine, Ise được thiết kế có thể mang 11 máy bay trực thăng, kể cả trực thăng tấn công, với thủy thủ đoàn 371 người. Trong trường hợp xảy ra xung đột toàn diện, khả năng tác chiến của nó không thua kém bất kỳ tàu sân bay trực thăng tấn công hiện đại nào trên thế giới. Trong trường hợp đặc biệt, Ise có thể tiến hành đồng thời nhiều hoạt động, vừa có khả năng đổ bộ, vừa có khả năng kiểm soát không phận và tấn công đất liền. Chiến hạm này có thể chở quân lính và phương tiện bên trong.
Tuy nhiên, theo học thuyết quân sự lấy phòng thủ làm chủ yếu của Nhật từ sau Thế chiến 2, nhiệm vụ chính của Ise là tác chiến săn ngầm, phát hiện và tiêu diệt các tàu ngầm trinh sát, tàu ngầm hạt nhân tấn công đối phương đe dọa đến an toàn của các hạm đội Nhật. Vì thế, tàu thường chỉ mang ba máy bay trực thăng săn ngầm có khả năng cất cánh cùng lúc.
Các khoang chứa máy bay bên dưới boong tàu có đầy đủ thiết bị bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay với hai thang máy vận chuyển trực thăng lên xuống đường băng.
Về vũ khí, Ise được trang bị hai pháo phòng không tự động tầm gần 20 mm Phalanx, 7 súng máy 12,7 mm Browning M2, một hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng gồm 12 quả đạn tên lửa phòng không RIM-162 ESSM, hoặc tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC (VLA), hai ống phóng ngư lôi ba nòng tầm ngắn Mk2 cỡ 324 mm.
Do có nhiệm vụ chính là tác chiến săn ngầm nên Ise được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử rất hiện đại, bao gồm hệ thống thông tin chiến thuật tự động OYQ-10, hệ thống radar chiến đấu đa chức năng FCS-3 AAW, hệ thống định vị thủy âm chống ngầm OQQ-21, một hệ thống radar chuyển hướng dẫn đường OPS-20C.
Thang máy vận chuyển trực thăng trên tàu khu trục Ise
Các chuyên gia quân sự của Mer et Marine đặc biệt đánh giá cao hệ thống định vị thủy âm OQQ-21 của Ise. Đây là một hệ thống định vị chuyên để săn tàu ngầm được gắn ở thân tàu và một hệ thống điều khiển đi kèm. Hệ thống này được đánh giá tương đương với hệ thống định vị thủy âm AN/SQQ-89 của Mỹ, có thể phát hiện tiếng động của tàu ngầm đối phương từ khoảng cách 280 km.
Bên cạnh đó, các kỹ sư Nhật sắp trang bị cho Ise hệ thống định vị thủy âm kiểu mảng kéo OQR-2D-1 TASS hoạt động trên tần số thấp LFA (100-500 Hz). OQR-2D-1 có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách đến 70 km, độ sâu từ 200 m cho đến hai km dưới mực nước biển.
Ngoài ra, MSDF cũng đang lên kế hoạch thay thế các trực thăng chống ngầm SH-60K bằng các trực thăng NH-90 hiện đại của Airbus được điều khiển bằng máy tính. NH-90 được trang bị các hệ thống radar và vũ khí chống ngầm hiện đại và có thể hoạt động lâu hơn trên biển.
Đô đốc Takei cho biết ông hy vọng sự tham gia của tàu khu trục Ise vào cuộc diễn tập hải quân ở Indonesia sẽ cải thiện kỹ năng chiến thuật của Nhật và giúp tăng cường hiểu biết và lòng tin giữa các nước tham gia.
Nguyễn Hoàng