Sau bài viết Kẹt xe trong ngăn nắp ở nước ngoài và 'sự vô can' của người Việt, nhiều độc giả có ý kiến:
Nếu ở TP HCM thì tôi tin chắc con đường trong bài viết trên sẽ trở thành đường một chiều, và sẽ kẹt cứng. Người Việt Nam mình rất hay, dù xe đến sau nhưng luôn cố nhoi lên trên người đến trước. Đó là minh chứng cho một thứ văn hóa, "văn hóa không biết xếp hàng".
Không riêng ở TP HCM như bạn Lê Văn Tiến nói đâu. Mà tôi tin rằng ở khắp mọi nơi trên đất nước ta vẫn rất lộn xộn khi tham gia giao thông. Đó chính là sự thiếu văn hoá của đại đa số mọi người khi tham gia giao thông.
Họ thiếu sự nhường nhịn, thiếu sự trật tự nên luôn tranh giành thay vì phải xếp hàng ngăn nắp. Chính vì thế tôi rất mong Bộ Văn hoá đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức hơn nữa để giúp nhân dân chúng ta có được sự văn minh khi tham gia giao thông nói riêng, trong bất cứ hoàn cảnh nào nói chung.
Tại sao trên mạng rất nhiều người ném đá người khác không ý thức, không xếp hàng, nói năng hùng hổ bất lịch sự... nhưng ngoài đường vẫn đầy những người như vậy?
Lý do là người Việt chỉ bức xúc nếu điều đó có hại cho mình nhưng sẽ bỏ qua nếu lợi mình hại người. Ví dụ: họ sẽ lên án xe người khác chạy ngược chiều chặn đường họ nhưng chính họ sẽ chạy ngược chiều nếu có thể, họ lên án kẻ khác chặt cây làm mất bóng mát nhưng họ sẽ chặt cây trước nhà họ nếu cây ngăn cản việc buôn bán của chính họ...
Tôi đã từng bị chửi nhiều về chuyện đi đúng luật nhưng cản trở những người bất chấp luật và tôi có hai cách là:
- Phớt lờ coi như không nghe thấy.
- Tôi sẽ tìm hướng đi khác thuận lợi hơn, dù hơi xa hơn một chút.
Tôi luôn lấy những ví dụ đó cho con gái tôi thấy được đó là những hành vi sai trái, nên sau này con lớn lên thì không nên học theo các hành vi đó. Để dạy con làm đúng thì không gì hơn chính người làm cha làm mẹ phải luôn là người hướng dẫn con cái mình và làm gương cho chúng.
Hôm qua kẹt xe ở cầu Rạch Chiếc (Quận 9, TP HCM), tôi đi vào con hẻm thấy bình thường đường hai chiều thì giờ đã thành một chiều. Tôi vẫn chạy làn xe máy, có nhiều người ở làn đối diện muốn rẽ thì tôi dừng lại nhường cho người ta qua để đỡ kẹt xe hơn. Thế nhưng vẫn có nhiều người ráng lấn lên, chạy chặn đầu xe của những người quẹo để vượt qua trước rồi chạy qua làn đối diện khiến kẹt xe càng trầm trọng, phải có một người ra quát phân làn mới họ mới chịu chạy về làn của mình.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.