New Zealand là một trong những đối tác còn lại được cho là khó khăn nhất trong quá trình đàm phán WTO của Việt Nam. Để gia nhập WTO, Việt Nam phải kết thúc đàm phán song phương với Mỹ, Australia, New Zealand và một số nước Mỹ Latin, trong đó ba nước trên là những đối tác quan trọng và có tiếng nói quyết định.
Theo một chuyên gia về WTO, việc đàm phán với New Zealand thực ra đã cơ bản kết thức từ phiên trước (cách đây khoảng 3-4 tháng), nhưng hai bên vẫn chưa thể đi đến kết thoả thuận kết thúc đàm phán vì một số vướng mắc nhỏ.
New Zealand là đối tác thương mại lớn thứ 35 của Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Việt Nam luôn nhập siêu ở mức khá cao. Chẳng hạn như năm 2001 là 124,6 triệu USD, năm 2002 là 240 triệu USD, năm 2003 là 63 triệu USD. Trong khi đó, thị phần hàng Việt Nam tại New Zealand còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 25 triệu USD trong 17 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu của nước này.
Việt Nam đang nhập khẩu từ New Zealand chủ yếu là các sản phẩm sữa, gỗ, da thuộc và xuất khẩu chủ yếu là giầy dép, nội thất, gốm sứ và dệt may...Các mặt hàng xuất khẩu có nhiều lợi thế vào New Zealand của Việt Nam là dệt may, nội thất, da giày, nông sản.
Như vậy, Việt Nam còn phải kết thúc đàm phán song phương với 5 đối tác, trong đó khó khăn nhất là Mỹ và Australia. Phiên đàm phán gần đây nhất giữa Việt Nam và Mỹ diễn ra ở Hà Nội được đánh giá là rất tích cực. Hai bên đã thu hẹp được khoảng cách trong hầu hết các lĩnh vực. Theo Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, cả Mỹ và VN đều hạ quyết tâm kết thúc đàm phán trong thời gian sớm nhất. Dự kiến, vòng đàm phán tới sẽ diễn ra vào khoảng cuối tháng 3 - đầu tháng 4.
Còn với Australia, vị chuyên gia WTO trên cho biết, Việt Nam rất hy vọng sớm đạt được thoả thuận với đối tác này, nhưng còn có những khoảng cách cần tiếp tục thảo luận.
Hà Vy