Để có thể tuyên bố gia nhập ngay tại Hội nghị Hong Kong tháng 12 năm nay, Việt Nam cần kết thúc đàm phán song phương trước 15/9. |
Đến nay, ngoài 10 đối tác đã hoàn tất đàm phán song phương trong 2004 và nửa đầu năm nay (gồm EU, Singapore, Chile, Cuba, Brazil, Argentina, Nhật Bản, Hàn Quốc, Columbia và Uruguay), Việt Nam đã kết thúc thêm với 7 đối tác khác là Canada, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, El Salvador, Kyrgyzstan và Bulgaria. Trong đó, 6 đối tác đã ký thoả thuận chính thức về vấn đề đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, số còn lại mới ký tắt.
Đợt làm việc tại Geneva sẽ kéo dài một tuần. Ngoài buổi họp với Ban Thư ký, đoàn chuyên gia Việt Nam bố trí lịch làm việc cơ động dành cho tất cả các đối tác còn lại có yêu cầu đàm phán. Dự kiến, lễ ký chính thức thoả thuận kết thúc đàm phán với một số đối tác song phương cũng có thể diễn ra ngay đợt làm việc này.
Trong số 11 đối tác còn lại, New Zealand, Australia và Mỹ đề nghị bố trí buổi đàm phán tiếp theo ở thủ đô các nước. Riêng cuộc gặp với New Zealand dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng, tại thủ đô Wellington. Một số đối tác khác sẽ tiến hành đàm phán với Việt Nam ngay tại đợt làm việc ở Geneva.
Phiên làm việc chính thức thứ 10 với Ban Công tác về vấn đề gia nhập WTO của Việt Nam sẽ diễn ra vào 15/9. Bên lề phiên đa phương này, Việt Nam cũng dự kiến tiến hành các phiên song phương với các đối tác có yêu cầu.
Tiến trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam - Tháng 1/1995, Việt Nam nộp đơn xin gia nhập WTO. - Đến 31/1 cùng năm đó, Ban Công tác về việc gia nhập của Việt Nam được thành lập. Trong số 38 quốc gia và lãnh thổ thành viên, nhiều nước có quan tâm đến thị trường Việt Nam. - Tháng 8/1996, Việt Nam hoàn thành "Bị Vong lục về Chế độ ngoại thương Việt Nam" và gửi tới Ban thư ký WTO để luân chuyển tới các thành viên của Ban Công tác. Bị Vong lục không chỉ giới thiệu tổng quan về nền kinh tế, các chính sách kinh tế vĩ mô, cơ sở hoạch định và thực thi chính sách, mà còn cung cấp các thông tin chi tiết về chính sách liên quan tới thương mại hàng hóa, dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ. Sau khi gửi Bị Vong lục, Việt Nam bắt đầu tiến hành minh bạch hoá chính sách thương mại theo yêu cầu của các thành viên. - Ban Công tác tổ chức các phiên họp tại trụ sở WTO (Geneva, Thụy sỹ) để đánh giá tình hình chuẩn bị của Việt Nam và tạo điều kiện để Việt Nam trực tiếp giải thích chính sách. Đầu năm 2002, Việt Nam đã gửi Bản chào ban đầu về thuế quan và Bản chào ban đầu về dịch vụ tới WTO. Bắt đầu từ phiên họp 5 của Ban Công tác (4/2002) Việt Nam đã tiến hành đàm phán song phương với một số thành viên của Ban Công tác. - Tháng 5/2003: Việt Nam đã tham gia 6 phiên họp của Ban Công tác. Về cơ bản, Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn làm rõ chính sách. - Tháng 5/2005: Kết thúc phiên trù bị cho phiên đa phương thứ 10, Bungary chính thức có yêu cầu đàm phán, nâng số thành viên có yêu cầu đàm phán với Việt Nam lên 28. Đến nay, Việt Nam đã trải qua 9 phiên đa phương và hoàn tất đàm phán song phương với 17 đối tác có yêu cầu. |
Song Linh