Đại diện 2 nước trao đổi văn kiện hiệp định. Ảnh: TTXVN |
Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho các hãng hàng không 2 nước mở đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Mỹ, gồm cả chở khách và chở hàng hóa. Văn kiện sẽ được đệ trình lên chính phủ hai nước để tiến tới việc ký kết chính thức trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Thanh, trong thời gian 2 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, mỗi nước có quyền chỉ định tối đa 2 hãng hàng không thực hiện các chuyến bay thẳng. Số lượng các hãng tham gia của mỗi bên trong năm tiếp theo là 3.
Một trong những điểm mà hai bên chưa thể tìm được tiếng nói chung trước khi diễn ra vòng đàm phán lần này là việc trao thương quyền 5 về Nhật Bản cho Mỹ (thương quyền 5 cho phép một nước được khai thác thị trường nước thứ 3 của đối tác mình). Các hãng hàng không Mỹ rất muốn được vận chuyển hành khách giữa Việt Nam và Nhật Bản. Còn với Việt Nam, thị trường vận tải hành khách Nhật Bản cũng được xem là tối quan trọng. "Kết thúc đàm phán, phía Mỹ đã đồng ý trong thời gian Hiệp định có hiệu lực, tạm thời chưa nhắc tới vấn đề này", ông Thanh cho biết thêm.
Vấn đề đối xử quốc dân, đặc biệt trong lĩnh vực giá cả cũng là một điểm bàn thảo gay gắt. Phía Mỹ không hài lòng việc Việt Nam vẫn duy trì chế độ 2 giá vé với hành khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sau 3 ngày đàm phán, 2 bên đã nhất trí cần tạo lộ trình trong 4 năm để Việt Nam dần hoàn thiện hệ thống này.
Về phần mình, Việt Nam cũng chấp nhận mở cửa hơn nữa thị trường vận tải hàng hóa (bằng đường không) cho phía Mỹ.
Tham gia đàm phán lần này, về phía Việt Nam có Phó cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Phạm Vũ Hiến làm trưởng đoàn, các thành viên là đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao, 2 hãng hàng không Vietnam Airlines và Pacific Airlines.
Song Linh