Quân đội Myanmar tối 9/2 đột kích trụ sở đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, khi bảo vệ của trụ sở bất lực quan sát qua camera.
"Chúng tôi muốn đến trụ sở ngay lập tức, nhưng vì lệnh giới nghiêm, chúng tôi không dám đến vì sợ gặp rắc rối", Soe Win, một thành viên đảng NLD phụ trách trụ sở đảng tại Yangon, cho biết hôm 10/2. "Chúng tôi phải đợi tới khi trời sáng".
Sau khi lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn thành phố kết thúc lúc 4h, các thành viên đảng NLD vội vàng tới trụ sở chính ở phố Shwegondine để đánh giá thiệt hại. "Cửa chính mở toang, khóa ở các cửa ra vào đều bị phá hỏng", Soe Win nói.
Máy in, máy scan, máy tính trong phòng máy chủ biến mất. Dây cáp máy chủ bị cắt, căn phòng là một mớ hỗn độn. Trước khi cáp máy chủ camera an ninh bị cắt, nhân viên bảo vệ của trụ sở nhìn thấy các sĩ quan quân đội và cảnh sát, cũng như người mặc trang phục dân sự, đang lục soát bàn làm việc và ngăn kéo trong trụ sở.
"Két sắt trống trơn", Soe Win nói, chỉ vào khoang trống ở trong két sắt lớn màu xám. "Bên trong vốn có tiền mặt, séc ngân hàng, sổ ngân hàng... Tôi không biết chính xác bên trong có bao nhiêu tiền". Danh sách khách ký tên khi tới trụ sở đảng cũng biến mất.
Trụ sở đảng NLD từng là điểm thu hút hàng nghìn người ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu lịch sử năm 2015. Đám đông hát vang bài ca ủng hộ dân chủ về Aung San, bố của bà Suu Kyi, người được coi là anh hùng dân tộc đã giải phóng Myanmar khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân.
Sau cuộc đảo chính hôm 1/2, người biểu tình lại tụ tập ở đây kêu gọi trả tự do cho Suu Kyi và kêu gọi quân đội tôn trọng kết quả bầu cử tháng 11 năm ngoái, cuộc bầu cử mà một lần nữa đảng NLD giành chiến thắng áp đảo.
Nhưng hôm nay, sau cuộc đột kích, con đường phía trước trụ sở vắng hoe. "Chúng tôi càng buồn hơn khi cuộc đột kích xảy ra trong giờ giới nghiêm", Soe Win nói, cho biết bất chấp tình hình căng thẳng hiện nay, họ vẫn cố giữ cho văn phòng hoạt động.
"Nhân sự của chúng tôi thực sự không thể ngăn cản điều này", ông nói thêm. "Nhưng chúng tôi đang cố liên lạc với những người chưa bị bắt và đang cố hết sức mình". Soe Win cho hay sẽ đệ đơn khiếu nại lên cảnh sát, dù "không tin là họ sẽ giải quyết".
Hàng chục nghìn người dân Myanmar đã đổ xuống đường biểu tình suốt tuần qua, phản đối cuộc đảo chính do quân đội tiến hành và yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi cùng các lãnh đạo dân chủ khác.
Mỹ, Anh, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu đã lên án cuộc đảo chính, kêu gọi quân đội Myanmar sớm trao trả quyền lực cho chính phủ dân sự. Trung Quốc trong khi đó kêu gọi cộng đồng quốc tế không "làm trầm trọng thêm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình Myanmar".
Hồng Hạnh (Theo AFP)