Tôi được chia sẻ, có trường hợp, cả gia đình bị nhiễm Covid-19, mỗi người được chuyển đi một bệnh viện khác nhau để điều trị và mất kết nối với nhau.
Người Việt Nam đã quen theo sát người nhà khi phải đi bệnh viện. Đó là trước đại dịch, giờ đây, chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 hoàn toàn do nhân viên y tế đảm nhiệm. Người nhà không thể đi theo và thậm chí khó có thể hỏi bác sĩ thường xuyên về tình trạng người thân bởi bác sĩ rất bận.
Chúng ta vẫn nghĩ, có thể giữ liên lạc với người thân bằng điện thoại di động. Nhưng sẽ thế nào với bệnh nhân nặng và không thể dùng điện thoại?
Bệnh nhân, tùy theo mức độ nặng nhẹ, sẽ được phân loại đưa về những bệnh viện khác nhau, ở những "tầng" khác nhau. Trong hoàn cảnh mọi nguồn lực dồn cho cuộc chiến sống còn, ta không thể đòi hỏi quá nhiều ở lực lượng tuyến đầu. Vì thế, bài toán kết nối với người thân, theo kinh nghiệm của tôi, chỉ được giải nhờ công nghệ.
Nếu mỗi bệnh nhân trước khi nhập viện được cấp một mã truy dấu, và người thân luôn có thể thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh hay truy cập một trang web, nhập mã là có thể biết bệnh nhân đang được điều trị ở đâu, tình trạng thế nào.
Mã truy dấu này được tạo từ trước, in sẵn trên vòng tay bệnh nhân, dưới dạng mã vạch hoặc mã vuông QR, để có thể đeo ngay vào tay bệnh nhân trên xe cứu thương. Tại mỗi bệnh viện mà bệnh nhân được chuyển đến, nhân viên y tế sẽ quét mã như một cách check-in.
Để giảm tải tối đa cho nhân viên y tế, thông tin cơ bản về bệnh nhân đã được số hóa từ khi được xác định là F0. Việc nhập dữ liệu ban đầu không nhất thiết phải nhân viên y tế làm mà chỉ cần nhân viên hành chính hay lực lượng tình nguyện tiếp nhận thông tin, và chỉ phải nhập vào hệ thống một lần.
Bằng cách quét mã trên tay người bệnh sau đó, bệnh viện sẽ truy cập được vào thông tin đã có của bệnh nhân và cập nhật thêm nếu cần. Đồng thời người nhà khi đăng nhập vào hệ thống cũng biết được bệnh nhân đang ở đâu, tình trạng thế nào. Ngoài ra, ứng dụng cũng có thể tự động gửi tin nhắn hoặc email cho người nhà bệnh nhân theo số điện thoại hoặc địa chỉ thư đã được đăng ký mỗi khi mã trên tay bệnh nhân được quét.
Đây thật ra không phải bài toán công nghệ khó. Các công ty chuyển phát trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam vẫn đang làm việc này hàng ngày với bưu phẩm.
Từ khi dịch bệnh xảy ra, tôi cũng thay đổi thói quen mua sắm. Ngoài thực phẩm hàng ngày ở siêu thị gần nhà, hầu hết hàng hóa tôi đều mua trực tuyến. Từ quần áo, giày dép, đồ nội thất hay dụng cụ làm bếp, chúng được vận chuyển tới tay khách hàng bởi các hãng chuyển phát DHL, DPD hay UPS.
Mỗi lần đặt hàng, tôi đều được người bán cấp cho một mã để theo dõi đơn hàng. Nhập mã này vào trang web của công ty vận chuyển, tôi biết hàng của mình đang ở đâu, dự kiến bao giờ giao tới nhà.
Để làm được điều này, nhân viên công ty chuyển phát in ra một mã vạch dán lên hàng hóa. Tại mỗi kho trung chuyển hay khi nhân viên giao hàng cho người mua, mã vạch này được quét. Toàn bộ lộ trình của hàng hóa sẽ hiện lên trên hệ thống.
Việc theo dấu F0 cũng có thể thực hiện tương tự. Điều quan trọng là, để bảo vệ quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu của bệnh nhân cũng như người nhà của họ, vốn có thể bị xem nhẹ trong đại dịch khi cứu người là ưu tiên lớn nhất, ứng dụng này tốt nhất được triển khai bởi một cơ quan thuộc chính phủ. Theo tôi, Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia có thể phát triển ngay ứng dụng này hoặc tích hợp nó với một trong các ứng dụng truy vết đã có.
Thống kê của Statista cho thấy, đến năm 2020 Việt Nam đã có khoảng 70% dân số truy cập và sử dụng Internet. Mạng Internet băng thông rộng của chúng ta đứng thứ 59 thế giới về tốc độ. Khoảng 65 triệu người Việt sử dụng mạng xã hội tương đương khoảng 67% dân số. Đặc biệt, Việt Nam đang đứng trong top 10 quốc gia có lượng người dùng điện thoại thông minh lớn nhất, với khoảng 61 triệu người, ngay sau Đức với 65 triệu người.
Một tin tốt nữa, Việt Nam đã phát triển đầy đủ sáu nền tảng công nghệ phục vụ phòng chống dịch. Đó là nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QR; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm trực tuyến; nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; nền tảng hỗ trợ truy vết, giám sát cách ly; nền tảng phân tích số liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Cơ sở dữ liệu của các nền tảng này đã được kết nối trong kho dữ liệu chung do Bộ Y Tế và Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.
Đây là những nền tảng công nghệ tương tự những gì đang được áp dụng tại Đức, nơi tôi đang sống, và nhiều nước châu Âu khác. Chúng đã làm nên tính hiệu quả của người Đức trong việc tổ chức xét nghiệm nhanh, tiêm chủng diện rộng, tích hợp và theo dõi thông tin liên quan đến quản lý dịch bệnh.
Việt Nam có thể tiêm xong vaccine cho phần lớn dân vào cuối năm. Từ nay đến lúc đó, sẽ rất hiệu quả nếu các ứng dụng truy vết được phát triển thêm chức năng truy dấu. Theo kinh nghiệm của tôi có thể mất chưa đến một tháng để "viết thêm" chức năng này. Và cũng không khó để tham khảo kinh nghiệm vì nhiều nước, đặc biệt như Singapore, châu Âu và Canada, đã kết nối số với công dân từ đầu đại dịch.
Ứng dụng triệt để công nghệ vào phòng chống dịch là mảnh ghép rất quan trọng. Với nhiều đơn vị năng động về công nghệ và quyết tâm chuyển đổi số của chính phủ, Việt Nam đang có những bước đi phù hợp cho thấy có thể làm chủ công nghệ quản lý dịch bệnh. Minh chứng là việc Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia được thành lập hai tháng trước. Thủ tướng mới đồng ý triển khai hệ thống quản lý tiêm chủng vaccine Covid-19 trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Khi nhiều gia đình đang bị lây nhiễm dịch, nhu cầu được biết người thân đang ở đâu cũng là một nhu cầu rất thiết yếu. Bởi theo quy định, những ca tử vong do Covid sẽ phải hỏa táng trong 24 giờ và trả tro cốt về gia đình. Sẽ rất đáng thương nếu những người kém may mắn phút cuối không "có mặt" được bên nhau.
Nguyễn Đình Quân