Quan điểm được ông Mãi đưa ra tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức chiều 6/1.
Ông đánh giá ngành khoa học công nghệ đã nhiều nỗ lực, nhưng "chưa đáp ứng được yêu cầu kết nối lực lượng khoa học công nghệ tại thành phố và ở các địa phương khác trong nước, quốc tế". Ông yêu cầu hợp tác quốc tế cần được coi trọng trong kết hoạch hoạt động của Sở để tương xứng với tiềm năng của thành phố. "Chỉ có hợp tác mới có thể để tiếp cận những cái mới của công nghệ thế giới, có được nguồn lực tài chính, hỗ trợ kỹ thuật để đẩy nhanh hơn việc đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống", ông Mãi nói.
Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, việc kết nối, tập hợp lực lượng nhà khoa học, được coi là sẽ giúp thành phố giải các bài toán lớn về các vấn đề kinh tế, xã hội. Hội đồng khoa học là đơn vị tư vấn cho lãnh đạo thành phố nhận diện ra các vấn đề, xác định các bài toán lớn. Để giải các bài toán lớn, cần có đơn vị tiếp nhận, theo đó tính kết nối các nguồn lực là quan trọng. "Cơ quan quản lý nhà nước cần tạo ra cơ chế chính sách kết nối nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để TP HCM thu hút các địa phương và quốc tế, giải những bài toàn phát triển của thành phố", ông Mãi nói.
Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ, đặt TP HCM là trung tâm lớn về kinh tế văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, là đầu mối giao lưu và hợp tác quốc tế. Đứng trước yêu cầu này, Chủ tịch thành phố yêu cầu ngành khoa học công nghệ năm 2023 tập trung phát triển sàn giao dịch công nghệ mang tầm quốc gia, khu vực có nhiệm vụ gắn kết các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phù hợp với nhu cầu ứng dụng của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước... thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ, cũng như gắn với các trung tâm đổi mới sáng tạo địa phương và quốc tế.
Ông mong muốn, các Viện khoa học công nghệ tiên tiến, trung tâm đổi mới sáng tạo TP HCM trong tương lai không chỉ có hoạt động nghiên cứu công nghệ, ươm tạo... mà còn là nơi thử nghiệm thể chế, kết nối chặt với các trung tâm khoa học công nghệ trong nước và quốc tế. Đưa ra mục tiêu hoạt động hai mô hình này, Chủ tịch TP HCM cho rằng cần hướng đến khía cạnh kinh tế, hoạt động sáng tạo, thương mại hóa sẽ thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho rằng, việc kết nối nguồn lực từ nhà khoa học giải quyết các bài toán lớn là yêu cầu thiết thực, giúp thành phố giải quyết nhiều vấn đề kinh tế xã hội.
Tuy nhiên để làm việc này, ông Dũng cùng đề xuất thành phố đưa ra mục tiêu cụ thể, kế hoạch rõ ràng và có thể đo lường được. "Thành phố cần có cơ quan đầu mối chủ trì, xây dựng các cơ chế tài chính, phương án hỗ trợ cụ thể, lúc đó nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia", ông nói và mong muốn cùng các sở ngành, cơ quan của thành phố làm việc này trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, năm 2022, tổng chi tiêu xã hội cho khoa học công nghệ tại TP HCM ước đạt gần 10.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,79% GRDP. Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của doanh nghiệp trong bốn ngành công nghiệp và 9 ngành dịch vụ trọng yếu đóng góp khoảng 48,9% vào tăng trưởng giá trị gia tăng của thành phố.
Trong chương trình nghiên cứu, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ TP HCM giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đã triển khai đặt hàng và tổ chức xét chọn 134 nhiệm vụ. Trong số này nhiều kết quả được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng.
TP HCM đã hỗ trợ 2.970 doanh nghiệp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, luỹ kế 2021-2022 là 5.002 doanh nghiệp, đạt 166% chỉ tiêu nhiệm kỳ. Với vị trí thứ 111, TP HCM đang tiến gần đến top 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu theo bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các quốc gia năm 2022 của StartupBlink công bố.
Hà An