Kenzo qua đời hôm 4/10 tại bệnh viện American ở Neuilly-sur-Seine, Pháp ngay sau khi show Thu Đông 2020 của nhà mốt kết thúc ở Paris Fashion Week, khiến làng mốt sững sờ. Giám đốc sáng tạo của Kenzo - Felipe Oliveira Baptista - nói với Vogue: "Tôi vô cùng đau buồn khi biết tin. Năng lượng tuyệt vời, lòng tốt, tài năng và nụ cười của ông ấy rất dễ truyền cảm hứng. Lòng nhân hậu của ông sẽ sống mãi".
Takada Kenzo sinh ngày 27/2/1939 tại Himeji, tỉnh Hyogo trong gia đình có bố mẹ là chủ một khách sạn. Cậu bé người Nhật dành tình yêu cho thời trang ngay khi đọc những cuốn tạp chí của chị gái. Lớn lên, để chiều lòng gia đình, Kenzo theo học Đại học Ngoại ngữ ở Kobe. Nhưng khi đang học năm đầu tiên, Kenzo quyết định bỏ học ngay lập tức khi bố qua đời. Năm 1958, chàng trai theo học tại Cao đẳng Thời trang Bunka ở Tokyo và giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế thời trang. Kenzo vừa đi học vừa kiếm tiền bằng cách thiết kế mỗi tháng tới 40 bộ trang phục trẻ em cho cửa hàng bách hóa Sanai.
Cuộc đời Kenzo thay đổi vào năm 1964. Khi ấy Thế vận hội Tokyo sắp bắt đầu, khu chung cư của Kenzo bị phá bỏ và ông được bồi thường 10 tháng tiền nhà. Chàng sinh viên mới tốt nghiệp liền làm một chuyến chu du khắp thế giới. Kenzo đến Pháp bằng thuyền, rồi đi qua Singapore, Hong Kong, Mumbai, Sài Gòn, Tây Ban Nha... Cuối cùng, ngày 1/1/1965, Kenzo đến ga xe lửa Gare de Lyon ở Paris và quyết định dừng chân ở thành phố này. Nhà thiết kế thuê một căn phòng trọ gần quảng trường Clichy (Paris) với giá 9 franc (gần 230 nghìn đồng) một ngày.
Ảm đạm là ấn tượng đầu tiên của Kenzo về Paris, nhưng thành phố bắt đầu trở nên ấm áp hơn khi chàng trai ngang qua Nhà thờ Đức Bà Paris và rung động bởi kiến trúc và câu chuyện lịch sử ở đó. Định ở lại Paris sáu tháng, nhưng cuối cùng, Kenzo đã dành 56 năm cuộc đời để cống hiến cho thành phố này. Sự nghiệp của Kenzo đã mở ra cánh cửa không chỉ cho các nhà thiết kế Nhật Bản có ảnh hưởng lớn như Yohji Yamamoto và Rei Kawakubo, mà còn tạo ra một loại hình thẩm mỹ vượt qua biên giới, màu sắc và văn hóa, chấp nhận sự đa dạng và ảnh hưởng đến một thế hệ.
Paris, đặc biệt là nhà thiết kế Yves Saint Laurent, đã truyền cảm hứng sáng tạo vô tận cho Kenzo. Ông bắt đầu bán các bản phác thảo cho các nhà thiết kế, trong đó có Louis Feraud. Năm 1970, Kenzo vui mừng khi mở được cửa hàng đầu tiên tại khu nhà cũ Galerie Vivienne ở quận 2. Lấy cảm hứng từ Henri Rousseau, nhà thiết kế đã vẽ lên những bức tường hoa dại để trang trí cho cửa hàng của mình và tổ chức buổi trình diễn đầu tiên. Khi ấy, ông đặt tên nhà mốt của mình là Jungle Jap, nghĩa là "Rừng Nhật Bản". Không có nhiều tiền, Kenzo đi lùng mua vải ở khu chợ Marché St Pierre và sử dụng hàng dệt từ quê nhà.
Kenzo nói với SCMP vào năm 2019: "Khi tôi mở cửa hàng, tôi nghĩ rằng thật vô nghĩa nếu làm giống những nhà thiết kế người Pháp. Tôi không thể làm điều đó. Vì vậy, tôi đã làm những thứ của riêng mình để trở nên khác biệt. Tôi đã dùng vải kimono và nhiều thứ khác có tầm ảnh hưởng". Olivier Gabet, giám đốc Musée des Arts Décoratifs - từng nhận xét trên New York Times: "Buổi trình diễn thời trang đầu tiên của ông ấy thật đáng nhớ. Nhẹ nhàng và vui tươi, các người mẫu nhảy múa nhiều hơn là trình diễn quần áo, khác xa với tầm nhìn của thời trang cao cấp Pháp. Kenzo là một nhân vật rất đặc biệt trong thế giới thời trang Paris".
Kenzo quan niệm thời trang không dành cho số ít, mà dành cho mọi người. Các họa tiết táo bạo, khác thường là yếu tố chính trong thành công ban đầu của Kenzo. Ông khai thác hoa - họa tiết được sử dụng rộng rãi trong kimono và hàng dệt may Nhật Bản. Ông cũng sử dụng nhiều phụ kiện có họa tiết hổ ở mặt trong như vòng tay, cạp quần, mặt túi hay những chi tiết nhỏ trang trí trên đồng hồ. Việc sử dụng vải bông cũng là một yếu tố đặc biệt, bởi chất liệu này hiếm khi được sử dụng trong thời trang cao cấp vào thời điểm đó. Các thiết kế ngoại cỡ và vui nhộn, được tạo ra để giải phóng, định hình cơ thể, thường không có khóa kéo, pha trộn nhiều màu sắc rực rỡ, thi nhau xuất hiện trên Elle, Vogue.
Giới yêu thời trang những năm 1970 bị Kenzo mê hoặc từ từ bằng các thiết kế giao hòa giữa phong cách cổ điển châu Á (điển hình là Nhật Bản) với nét thanh lịch, hiện đại của châu Âu. Người Pháp yêu thích quần áo Kenzo bởi trang phục chú trọng từng đường kim mũi chỉ, pha trộn nhiều nền văn hóa, cá tính nhưng không kén người mặc, gần gũi và tươi mới so với thời bấy giờ.
Năm 1976, Kenzo lấy tên mình để đổi lại tên thương hiệu trong lần đầu ra mắt bộ sưu tập ở New York. Bảy năm sau, ông giới thiệu trang phục dành cho nam, phát triển dòng quần jeans vào năm 1986 và nước hoa vào năm 1988. Nhưng tới năm 1993, Kenzo gặp khó khăn khi bạn đời của ông qua đời và đối tác kinh doanh của ông bị đột quỵ. Ông quyết định bán công ty của mình cho tập đoàn xa xỉ LVMH với giá khoảng 80 triệu USD.
Kenzo tiếp tục thiết kế ở LVMH rồi quyết định từ giã sự nghiệp vào năm 1999 vì nhận thấy thời trang đang thương mại hóa với tốc độ chóng mặt. Từ bỏ thiết kế, Kenzo tìm thấy niềm vui khi chế tạo nước hoa. Từ suy nghĩ "làm nước hoa cho vui", Kenzo tạo nên vô số mùi hương ấn tượng, trong đó Flower by Kenzo ra mắt vào năm 2000 được Vogue bình chọn là một trong những loại nước hoa Pháp cổ điển tốt nhất mọi thời đại. Năm 2001, Kenzo ra mắt dòng sản phẩm chăm sóc da KenzoKI.
Trong khi đó, nhà mốt Kenzo tiếp tục được một loạt nhà thiết kế điều hành, gồm Humberto Leon và Carol Lim - những người đã phát triển thành công họa tiết đầu hổ của Kenzo khiến giới mộ điệu mê mệt, và nay là Felipe Oliveira Baptista. Dưới thời của những nhà thiết kế mới, thương hiệu chinh phục vô số những tên tuổi lớn trong nhiều lĩnh vực: Selena Gomez, Rihanna, Beyoncé, Miley Cyrus, Jessica Alba, Florence Welch, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama, Ivanka Trump... Ở Việt Nam, Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh, Kỳ Duyên... đều là fan của nhà mốt Pháp.
Kenzo từng nói với Vogue trong cuộc trò chuyện vào năm 2000: "Tôi muốn được nhớ đến như một nhà thiết kế vượt qua mọi ranh giới". Theo Bernard Arnault - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành LVMH, Kenzo đã truyền vào thời trang sự nhẹ nhàng thơ mộng và sự tự do ngọt ngào, chất huyền bí phá tan sự nhàm chán đơn điệu của Paris thập niên 1970. Nhà tạo mốt mãi được nhớ đến như hình ảnh thu nhỏ của nghệ thuật sống, với vẻ hài hước nhưng đôi khi trầm lặng và nhút nhát, hào phóng và luôn biết cách chăm sóc những người thân yêu.
Ý Ly