Video xuất hiện từ ngày 27/2, sau đó lan truyền trên các mạng xã hội tại Việt Nam. Trong đó, Thơ Nguyễn - một YouTuber có tiếng tại Việt Nam - ôm búp bê gọi là "con" và nói: "Có nhiều bạn nói rằng, chị ơi, chị xin vía cho em học giỏi đi. Chị thấy rằng xin vía học giỏi thì không có gì sai trái, nên hôm nay chị sẽ xin giúp các em". Sau đó, cô đung đưa dây chuyền trước mặt búp bê, mở lon nước ngọt cho búp bê uống và nói với búp bê "xin vía học giỏi".
Đoạn video dài khoảng 1 phút, sau 10 ngày, đăng lên TikTok đã đạt 5 triệu lượt xem. Video sau đó được nhiều người chia sẻ lại lên Facebook, YouTube với nhiều ý kiến phản đối.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH & TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông, video của Thơ Nguyễn "có dấu hiệu truyền bá mê tín dị đoan". Ông Do cho biết Cục đã liên hệ với TikTok để xóa video trên khỏi nền tảng, đồng thời phối hợp với Google, Facebook ngăn chặn việc đăng lại video này lên các mạng xã hội trên. Đại diện Cục cũng đang làm việc với Bộ Công an để mời Thơ lên làm việc.
Đại diện TikTok tại Việt Nam cho biết sau khi đánh giá video trên, dựa trên Tiêu chuẩn Cộng đồng, mạng xã hội video đã ngăn phát tán nội dung này. Hôm nay (11/3), toàn bộ video trên tài khoản TikTok của Thơ Nguyễn bị ẩn.
Nguyễn Hồng Thơ, chủ tài khoản TikTok nói trên, nhận "đây là sơ suất, khiến mọi người hiểm nhầm". Cô làm video với mục đích khuyên các "fan" của mình không nên sợ hay tin vào tín ngưỡng, mà cần phải cố gắng mới thành công. "Video đăng trên TikTok chia làm nhiều đoạn. Đoạn video nhận nhiều lượt xem và chia sẻ chỉ là một phần. Mọi người chỉ xem đoạn video này nên đánh giá chưa đúng về nội dung", Thơ nói.
Tài khoản YouTuber "Thơ Nguyễn" bắt đầu từ năm 2016, chuyên sản xuất nội dung hướng đến người xem là trẻ em. Đến nay, kênh đã thu hút 8,7 triệu lượt đăng ký, hơn 6 tỷ lượt xem, trở thành kênh YouTube lớn thứ 7 tại Việt Nam. Cô bắt đầu lấn sân sang TikTok từ cuối 2020.
Hành vi "truyền bá mê tín dị đoan" vi phạm quy định về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội. Theo khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi này có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng với tổ chức, 5 đến 10 triệu đồng với cá nhân.
Lưu Quý