Quốc Hùng (Hà Nội) cho biết anh sử dụng YouTube ít nhất vài tiếng mỗi ngày. "Từ nghe nhạc, xem vlog, xem phim hay thể thao, tôi đều ưu tiên chọn mạng xã hội này, cũng vì vậy mà tôi thấy càng ngày YouTube càng nhiều quảng cáo gây phiền", Hùng nói.
Trước đây các quảng cáo chỉ xuất hiện ở một số vị trí nhất định trong video, hoặc giữa video là các quảng cáo banner nhỏ, không ảnh hưởng đến người xem. Thời gian gần đây, quảng cáo xuất hiện ở bất cứ đâu trên YouTube, đặc biệt trong các video dài. "Có những video dài chưa đến 10 phút mà có 3 đến 4 quảng cáo chèn vào", Hùng nói.
Ngoài việc xuất hiện "bất thình lình", quảng cáo còn lặp đi lặp lại nhiều lần, thậm chí có nội dung quá dài hoặc giới thiệu các sản phẩm không phù hợp, khiến người xem khó chịu.
Không chỉ người dùng Việt Nam nhận thấy YouTube đang chạy quảng cáo tràn lan, trong khoảng 3 tháng trở lại đây, tình trạng này cũng được người dùng khắp thế giới phản ánh.
"Tôi đã theo dõi YouTube đủ lâu để nhận thấy những thay đổi của nền tảng này. Hầu hết theo hướng tích cực, ngoại trừ cách mà họ quảng cáo", người dùng có tên Hari, chia sẻ trên trang trợ giúp của Google hồi tháng 8 năm nay.
Theo Hari, ban đầu quảng cáo trên YouTube chỉ là một số biểu ngữ nhỏ. Sau thời gian, các biểu ngữ này tăng cả về kích thước và số lần hiển thị. Tiếp đến, nền tảng này thêm quảng cáo ở giữa video với tần suất khoảng một giờ mỗi lần nhưng cho phép người dùng bỏ qua. Một thời gian sau, quảng cáo xuất hiện mỗi 10 phút và bắt phải xem hết. "YouTube ngày càng gây khó chịu bằng việc tăng số lượng quảng cáo trên mỗi video. Cứ sau 10 phút lại có quảng cáo và đôi khi là 2 quảng cáo xuất hiện cùng lúc" Hari viết, đồng thời cho rằng đây là hành vi "tra tấn", "quấy rối" người dùng.
Bài viết của Hari nhận hàng nghìn lượt "ủng hộ" của người dùng trên khắp thế giới. Nhiều người cho biết "giờ đây khó mà xem video nào trên YouTube có dưới 2 quảng cáo".
"Tôi hiểu là Google cần doanh thu và đó là lý do mà cơ chế quảng cáo của họ thay đổi nhiều trong vài tháng qua. Tuy nhiên, gần đây tôi hiếm khi xem hết được một video nào vì quá nhiều quảng cáo gián đoạn", thành viên có tài khoản Opensourcefan viết trên Reddit.
Tại Việt Nam, phản ứng của người dùng về tần suất quảng cáo của YouTube, xuất hiện nhiều trên các chợ ứng dụng. Trên hai nền tảng lớn - App Store và CH Play, ứng dụng YouTube liên tục nhận được đánh giá 1* từ người dùng Việt Nam. Lý do chính là "quá nhiều quảng cáo", quảng cáo lặp đi lặp lại, hay "quảng cáo còn dài hơn cả video".
Khiêm Vũ, quản trị viên một cộng đồng người làm YouTube tại Việt Nam, cho rằng việc YouTube xuất hiện nhiều quảng cáo đến từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, do người xem YouTube trên Smart TV ngày càng tăng, mà trên TV, hình thức quảng cáo duy nhất là chèn vào giữa video. Làm như vậy, YouTube sẽ thu được tối đa doanh thu. Các chủ kênh hiện cũng chú trọng doanh thu nên giao phó việc đặt quảng cáo cho nền tảng này.
YouTube hiện cung cấp cho các đối tác của mình 5 hình thức đặt quảng cáo chính, trong đó có ba loại xuất hiện trực tiếp trong video, gồm quảng cáo bằng biểu ngữ, quảng cáo bằng video có thể bỏ qua, và video không thể bỏ qua. Với hình thức quảng cáo bằng video, các mẩu nội dung có thể đặt ở đầu, cuối hoặc một vị trí bất kỳ ở giữa do chủ kênh chọn, hoặc theo thuật toán tự động của Google. Thuật toán này, theo Google, có thể dự đoán vị trí đặt quảng cáo để không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của người xem, nhưng vẫn mang lại doanh thu lớn nhất cho chủ kênh. Tuy nhiên, thực tế, thuật toán hoạt động không như miêu tả, quảng cáo chèn vào không theo quy tắc khiến những phàn nàn, khó chịu liên tục tăng.
Thời quan qua, YouTube cũng có một số động thái cho thấy họ muốn quảng cáo xuất hiện nhiều hơn. Hồi tháng 7, nền tảng này thay đổi quy định, cho phép video dài 8 phút cũng đặt được quảng cáo ở giữa nội dung, thay vì phải đạt độ dài tối thiểu 10 phút như trước đây. Trang SocialMediaToday sau đó phát hiện YouTube đã tự động chèn quảng cáo vào giữa tất cả video dài 8 phút, bất chấp chủ kênh có đồng ý hay không.
Ngày 19/11, YouTube tiếp tục bổ sung một số điều khoản, trong đó có việc đặt quảng cáo cả trên những kênh chưa được bật kiếm tiền. Nói cách khác, những kênh chưa đủ giờ xem hay lượt sub để bật kiếm tiền vẫn được hiển thị quảng cáo, nhưng chủ kênh sẽ không được chia phần.
Trước thực trạng trên, người dùng trong nước đang phải tìm đến nhiều phương án, như dùng các trình duyệt có tính năng chặn quảng cáo, hoặc mua các gói YouTube Premium lậu với giá 25 nghìn đồng mỗi tháng.
Tình trạng quảng cáo xuất hiện dày đặc hơn trước không chỉ diễn ra trên YouTube mà cả Facebook. Việc xem quảng cáo là điều bình thường với người sử dụng các dịch vụ Internet miễn phí. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cả YouTube và Facebook đều tăng mật độ hiển thị những nội dung này.
"Cứ sau 2-3 chia sẻ của bạn bè là lại đến một mẩu tin gắn nhán 'được tài trợ', tạo cảm giác News Feed của Facebook ngày càng rác hơn", Lê Ngọc Anh, một người dùng Facebook tại Hà Nội, than phiền. "Đặc biệt là buổi tối, đúng khoảng thời gian cần nghỉ ngơi, thư giãn, nhưng các nội dung livestream bán quần áo, mỹ phẩm... lại xuất hiện tràn lan, gây khó chịu cho những ai không có nhu cầu mua hàng online".
Lưu Quý