Dịp nghỉ lễ 30/4, du khách vui chơi quanh phố đi bộ hồ Gươm, Công viên Thống Nhất hay ghé qua một số xe kem lưu động ở các điểm vui chơi, bị thu hút bởi những que kem in hình các địa danh nổi tiếng ở Hà Nội.
Mỗi que có giá 20.000 đồng, với các hương vị như dâu, trà xanh, chocolate, cốm, chuối, sầu riêng, xoài, đặc biệt có hình ảnh của 11 địa danh nổi tiếng như tháp Rùa, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà thờ lớn, Nhà hát lớn, cầu Long Biên, Ô Quan Chưởng, Văn Miếu, bốt Hàng Đậu.
Tác giả những que kem này là Lý Hải Hoàng Tân, người gốc Huế, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Từng nhiều lần sang Trung Quốc, ấn tượng bởi những que kem có hình các địa danh nổi tiếng của quốc gia này, Tân ấp ủ làm một sản phẩm riêng ghi dấu ấn nơi mình đang sống với giá thành phù hợp.
"Kem ở Trung Quốc có giá quy ra tiền Việt khoảng 70.000 đồng. Giá này bán ở Việt Nam không khả thi nên chúng tôi đã sáng tạo ra những chiếc kem hương vị địa phương, phù hợp với văn hóa người Việt, giá hợp lý", Tân nói.
Tân làm kem từ năm 2018, đến năm 2021 bắt đầu làm những que kem với nhiều hình khác nhau. Từ đầu 2023, anh cho ra mắt kem địa danh, với mục tiêu góp một phần nhỏ quảng bá du lịch địa phương.
Để có một chiếc kem in hình các địa danh hoàn chỉnh, Tân đến từng nơi quan sát, phác thảo trên phần mềm sau đó dùng bảng vẽ, rồi đúc thành khuôn. Phòng sản xuất sẽ phối trộn nguyên liệu rồi đổ vào khuôn, chuyển vào cấp đông, tách kem ra khỏi khuôn và đóng hộp.
Nguyên liệu chính của những que kem này là bột kem được nhập từ Italy, bột sữa được nhập từ Thái Lan, hoa quả Việt Nam để tạo vị như bơ, sầu riêng, mãng cầu, chuối, xoài, bột cacao của Đắk Lắk, bột trà xanh Thái Nguyên và một số loại mứt tạo vị.
Tân cho biết chọn Hà Nội là nơi bắt đầu vì nơi đây "có nhiều địa danh nổi tiếng và lịch sử lâu đời". Sắp tới, anh sẽ có thêm những chiếc kem hình Nhà ga và Cột cờ Hà Nội. Tân cũng đã làm sản phẩm ở những nơi khác như Ninh Bình, TP HCM và Lào Cai.
Khách mua kem chủ yếu là giới trẻ, khách du lịch và phụ nữ thích chụp ảnh check in. Sản lượng tiêu thụ những chiếc kem này trong dịp nghỉ lễ 30/4 đã tăng khoảng 3 lần ngày thường. Quang Anh, 12 tuổi, mua kem ở một xe lưu động khu vực hồ Tây, thích thú ngắm nhìn một lúc mới ăn. "Cháu rất thích kem này", Quang Anh nói.
Gần đây, một số địa danh du lịch trên cả nước cũng xuất hiện một vài loại kem địa danh, gây ấn tượng với khách du lịch như Hà Giang, Đà Lạt hay núi Bà Đen tại Tây Ninh, do các thương hiệu tại địa phương phát triển. Khách mua kèm chủ yếu vì tò mò, đa phần sẽ chụp ảnh trước khi ăn.
Tân cho hay sẽ không dừng lại ở các sản phẩm như hiện tại. "Chúng tôi kỳ vọng sẽ ghi dấu ấn ở thật nhiều địa danh khắp cả nước để tạo thêm hiệu ứng và góp phần phát triển du lịch", Tân nói. Anh cũng dự kiến đưa kem địa danh vào tất cả các sự kiện, hội chợ du lịch lớn nhỏ khắp cả nước.
Tâm Anh