Chiếc MiG-21 của Redfa khi rơi vào tay Israel
Ngày 16/8/1966, đại úy Munir Redfa thuộc không quân Iraq điều khiển tiêm kích MiG-21 tối tân bỏ trốn sang Israel. Đây là kết quả của Chiến dịch Kim cương (Operation Diamond) do cơ quan tình báo Israel (Mossad) tiến hành, nhằm thu giữ một chiếc MiG-21 nguyên vẹn để nghiên cứu và tìm ra điểm yếu, theo National Interest.
Đại úy Munir Redfa là một trong 15 phi công quân sự được Iraq cử tới Mỹ học tập vào tháng 2/1965. Ngay khi được một thương nhân gốc Do Thái tên là Ezra Zelkha, có mật danh "Yusuf", tiết lộ về chương trình học tập này, Mossad đã lên kế hoạch thực hiện "Chiến dịch Kim cương", sử dụng "mỹ nhân kế" để mua chuộc các phi công Iraq.
Khao khát có được tiêm kích MiG-21 của Liên Xô, Mossad từng nhiều lần dụ dỗ phi công các nước Arab lái máy bay trốn tới Israel. Năm 1962, họ từng cử điệp viên Jean Leon Thomas tiếp cận đại úy Aid Hana thuộc không quân Ai Cập, đề nghị tặng 100.000 USD nếu phi công này đào thoát sang Israel cùng một tiêm kích MiG-17. Tuy nhiên, đại úy Hana nhanh chóng báo cáo cho chỉ huy. Thomas bị bắt cùng 5 người hỗ trợ, bị kết án treo cổ cùng hai người khác trong tháng 12/1962.
Hai năm sau, Mossad lôi kéo thành công đại úy Mohammad Abbas Helmy của không quân Ai Cập bỏ trốn với máy bay huấn luyện Yak-11. Chỉ vài tháng sau, phi công này bị ám sát tại Nam Phi, trong khi chiếc Yak-11 không đem lại lợi ích cho Israel trong không chiến.
Khi các nỗ lực ở Ai Cập thất bại, tình báo Israel bắt đầu chuyển hướng sang những nước Arab khác, trong đó Iraq là một trọng điểm.
Ngay khi đặt chân tới Mỹ tham gia chương trình huấn luyện, 15 phi công Iraq đều trở thành mục tiêu săn đón của các nữ đặc vụ Mossad. Trung úy Hamid Dhahe được nữ điệp viên Jean Pollan tiếp cận vào tháng 3/1965, nhưng từ chối lời đề nghị đào tẩu của Mossad.
Thất bại trong nỗ lực mua chuộc, nữ điệp viên này cho Dhahe ba ngày để rời khỏi Mỹ, nhưng phi công Iraq đã bỏ qua lời đe dọa. Vào đêm 15/6/1965, Dhahe bị bắn chết trong một quán rượu, sau khi xảy ra sự cố mất điện.
Nhận thấy vụ việc trở nên nghiêm trọng, không quân Iraq quyết định rút toàn bộ nhóm sĩ quan đang huấn luyện tại Mỹ. Tuy nhiên, ba người trong số đó gồm đại úy Shaker Mahmoud Yusuf, Mohammad Raglob và Munir Redfa đã kịp có "bạn gái" trong thời gian ở Mỹ.
"Bạn gái" của Yusuf tới thủ đô Baghdad để gặp phi công này vào đêm 6/7/1965. Khi Yusuf từ chối đào tẩu sang Israel, đặc vụ Ezra Zelkha của Mossad, người đi theo quay phim mọi cuộc gặp gỡ, tiến vào phòng và bắn chết viên phi công Iraq. Đại úy Raglob cũng bị giết không lâu sau đó vì đòi phần thưởng lên tới một triệu USD. Hai điệp viên Mossad bắt được Raglob và ném phi công này khỏi chuyến tàu cao tốc tại Đức vào ngày 11/2/1966.
Không có nhiều thông tin về nữ điệp viên thực hiện đòn "mỹ nhân kế" với đại úy Redfa, ngoài cái tên Lisa Brat. Chỉ vài ngày sau khi tới Baghdad, Brat hẹn gặp Redfa, dụ dỗ phi công này đào tẩu, đồng thời đưa ra lời đe dọa "nhận tiền hoặc chết". Sau khi Redfa nhận lời với điều kiện phải đưa gia đình mình ra nước ngoài, các đặc vụ Mossad bắt đầu kế hoạch hành động.
Tháng 7/1966, Redfa được thăng chức chỉ huy phi đoàn MiG-21 duy nhất của Iraq, cho thấy sự tin tưởng của không quân với phi công này. Một tháng sau, Mossad đưa toàn bộ gia đình 17 người của Redfa tới Iran.
Ngày 16/8/1966, Redfa điều khiển chiếc MiG-21 thực hiện nhiệm vụ huấn luyện ở phía tây thủ đô Baghdad trước khi bay tới phía bắc Jordan. Lực lượng phòng không Jordan phát hiện chiếc MiG-21 trên radar, nhưng tưởng rằng đây là tiêm kích của không quân Syria đang bay huấn luyện nên không can thiệp.
Redfa bay qua không phận Jordan tới biên giới Irael, nơi hai tiêm kích Mirage III xuất hiện để hộ tống máy bay MiG-21 về căn cứ Hatzor. Trong cuộc họp báo sau cuộc đào tẩu, Redfa cho biết anh ta hạ cánh khi máy bay chỉ còn "vài giọt nhiên liệu".
Sau khi đào tẩu, Redfa được Israel thưởng một triệu USD, cho phép nhập quốc tịch và tìm việc làm cho anh ta.
Phi cơ của Redfa giúp không quân Israel tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của dòng MiG-21. Những kiến thức và kinh nghiệm thu được giúp Israel giành chiến thắng áp đảo trong những trận không chiến với liên quân Arab giai đoạn 1967-1973.
Tháng 1/1968, Israel cho Mỹ mượn chiếc MiG-21, trước khi nó được đặt định danh YF-110 và kiểm nghiệm trong chương trình Have Donut tại Khu vực 51 nổi tiếng. Không quân Mỹ được cho là thu về nhiều lợi ích từ quá trình nghiên cứu, giúp họ tìm ra cách đối phó với tiêm kích MiG-21 trong những cuộc không chiến ác liệt sau này.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù chiếc MiG-21 và Redfa mang tới nhiều dữ liệu tình báo quý giá cho Israel, vai trò của vụ đào tẩu này thường bị phóng đại, nhất là với không quân Mỹ.
Baghdad đã nối lại quan hệ hợp tác với Washington và London vào cuối năm 1963, cho phép nhiều phi công Mỹ bay thử tiêm kích MiG-21 ngay tại Iraq, đồng thời chia sẻ mọi tài liệu kỹ thuật và huấn luyện liên quan. Điều này giúp Cơ quan nghiên cứu công nghệ nước ngoài (FTD) của không quân Mỹ thu thập và dịch tài liệu chiến thuật của MiG-21 từ đầu năm 1965.
Baghdad hiểu rõ điều này, nên cuộc điều tra chính thức của không quân Iraq kết luận Redfa chỉ là người thứ 4 trong danh sách của Mossad. Nếu anh ta từ chối đề nghị, tình báo Israel sẽ thủ tiêu anh ta rồi tiếp tục đe dọa, ám sát từng phi công một trong danh sách, cho tới khi có người chịu hợp tác. Sau vụ đào tẩu, đồng đội và thượng cấp của Redfa đều không bị trừng phạt.
Vào đầu thập niên 1970, Mỹ nhận được 13 tiêm kích MiG-21F-13 từ Indonesia, giúp Washington thành lập một phi đoàn chuyên vận hành loại tiêm kích này. Nó tạo điều kiện cho hàng nghìn phi công Mỹ đối mặt với khả năng chiến đấu của MiG-21 trong không chiến, thay vì chỉ giới hạn ở vài phi công thử nghiệm lão luyện.
Tử Quỳnh