Thị trấn Chartres của Pháp từ hàng thế kỷ nay luôn nổi tiếng với lịch sử lâu đời của nó cùng những nhà thờ Trung cổ xưa cũ. Tuy nhiên, nơi này ba ngày qua bỗng trở nên náo loạn khi thông tin về nghi phạm thực hiện một trong các vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris, cướp đi sinh mạng của 129 người, được xác định là từng sống tại đây, theo CNN.
Nhà chức trách Pháp hôm qua công bố Ismael Omar Mostefai, 29 tuổi, trước là cư dân ở Chartres, tối ngày 13/11 cùng hai đồng phạm khác đã thực hiện vụ xả súng tại nhà hát Bataclan, khiến 89 người thiệt mạng. Y dùng súng AK-47 tàn sát dã man hàng chục người đang tham dự một buổi trình diễn ca nhạc sau đó tự kết liễu mạng sống bằng cách cho nổ đai bom mang theo bên mình. Cảnh sát lần ra dấu vết về Mostefai thông qua những phát hiện khá ly kỳ. Vân tay của y được lấy từ một ngón tay đứt lìa tại hiện trường.
Ở Chartres, cách Paris khoảng 100 km về phía tây nam, không hề xuất hiện bóng dáng của sự nghèo đói hay khốn khổ, trái lại, đây là một địa điểm thu hút khách du lịch bằng những con đường rải sỏi thơ mộng và quang cảnh tuyệt đẹp. Ngay cả khu vực Mostefai sống cũng mang một vẻ bình yên đến kỳ lạ với những đường phố sạch sẽ, tĩnh lặng, rợp bóng cây.
Vậy vì đâu mà cư dân của một thị trấn "hiền lành" như thế lại có thể trở thành phần tử cực đoan máu lạnh đến vậy?
"Vâng, điều đó khiến ai nấy cũng đều cảm thấy sốc", ông Jean-Pierre Gorges, thị trưởng Chartres, người đầu tiên nhận diện Mostefai, chia sẻ trên mạng xã hội Facebook.
Francois Molins, công tố viên Pháp chỉ huy chiến dịch điều tra, cho hay Mostefai từng bị chính quyền liệt vào danh sách những mối nguy hiểm tiềm tàng. Hồ sơ của Mostefai bị đánh dấu "S". Điều này có nghĩa cơ quan chức năng tin rằng y bằng cách nào đó đã bị "cực đoan hóa".
Theo thị trưởng Gorges, Mostefai bị cực đoan hóa tại một nhà thờ Hồi giáo nhỏ nằm ở rìa thị trấn, trong một khu dân cư được biết đến với tên gọi Lucé. Song, nhiều người lại cho rằng ông Gorges đã có sự nhầm lẫn.
Trả lời trước hàng dài phóng viên Pháp, Karim Benaya, phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thờ Hồi giáo, khẳng định ông không biết gì về việc Mostefai hay bất cứ thành viên nào từ gia đình y có tham gia nhà thờ Hồi giáo.
"Điều đó hoàn toàn sai", Benaya nói. Đứng cạnh ông là Abdallah Benali, chủ tịch hiệp hội, cũng lên tiếng đồng tình.
Nhưng hai người chỉ mới chuyển đến nhà thờ này từ năm 2013. Trong khi thị trưởng Gorges lại nói Mostefai bị cực đoan hóa từ nhiều năm trước sau những lần viếng thăm một lãnh tụ Hồi giáo nào đó.
"Tại Chartres rộng lớn, có rất nhiều địa điểm thờ phụng", ông nói. "Một vài nơi hoạt động đúng quy chuẩn, nhưng có những chỗ mà các lãnh tụ Hồi giáo chỉ cố tìm cách để khiến người ta cải đạo, từ đó dẫn tới việc bị cực đoan hóa".
Tại khu phố nhỏ bé nơi Mostefai sống trong quãng thời gian dài trước khi rời đi vào năm 2012, hàng xóm của y cho hay Mostefai cũng không phải phần tử khủng bố duy nhất ở vùng này. Từng có một người, dường như tên là Sofiane Sankawi, bỏ xứ để tới Syria chiến đấu và chết tại đó.
Quê hương của Mostefai nằm ở Courcouronnes, ngoại ô Paris, cách Chartres hơn 60 km. Đây được xem như một khu tập trung những người thuộc tầng lớp thấp và trung bình trong xã hội nhưng không nổi tiếng bởi chủ nghĩa cực đoan. Theo miêu tả từ hai người bạn thuở nhỏ của Mostefai, y là một đứa trẻ "bình thường" thích chơi bóng đá và để tóc dài kiểu thể thao như bao thiếu niên khác. Mostefai thậm chí còn không phải người quá sùng đạo.
Dem, bạn thơ ấu của Mostefai, cho biết y "thường xuyên" đến một nhà thờ Hồi giáo ở phía nam trung tâm thủ đô Paris, thỉnh thoảng đi cùng cha mẹ, khi thì một mình. Mostefai là con thứ ba trong gia đình có 5 anh chị em, có cha là người Algeria, mẹ là người Bồ Đào Nha.
Theo Dem, lần gần nhất anh gặp Mostefai cách đây khoảng 4 đến 5 năm. Khi đó, anh thấy rất bất ngờ vì sự trưởng thành của Mostefai. Anh ta đã có vợ và một con gái nhỏ.
"Đó là một gia đình bình thường, giống như tất cả mọi người", một người hàng xóm cũ giấu tên của Mostefaï nói và cho biết Mostefaï từng làm trong một cửa hàng bánh. "Anh ta chơi với trẻ con, không bao giờ nói về tôn giáo. Anh ta bình thường. Luôn vui vẻ và cười nhiều."
Một người khác ở Courcouronnes quả quyết có mối quan hệ "rất rất thân thiết" với Mostefai nhưng cũng nhiều năm rồi anh ta chưa gặp lại bạn.
"Tôi rất sốc", Abdel Afid nói. "Tôi không thể hiểu được".
Sau thảm kịch, điều khiến ông Gorges lo lắng hơn cả là việc dân chúng Pháp cũng như mọi người trên khắp thế giới đang suy nghĩ điều gì.
"Chúng tôi có 4.000 người được coi là rất nguy hiểm và họ có khả năng làm những điều tương tự Mostefai bất cứ lúc nào", Gorges nói. "Và chúng ta đang làm gì? Chính phủ đề xuất điều gì? Không gì cả".
Xem thêm: Mô phỏng các vụ tấn công làm rung chuyển Paris
Vũ Hoàng