Trưa 30/12, ông Nguyễn Văn Trạng, Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, cho biết vụ sạt lở xảy ra chiều qua. Đoạn kè bị sạt lở cách chân cầu Trà Ôn khoảng 200m, ăn sâu vào bờ 15 m, làm sập một căn nhà, ảnh hưởng 14 hộ dân tại khu vực 1, thị trấn Trà Ôn.
"Vụ sạt lở xảy ra khi đơn vị thi công hoàn tất phần tường kè bên ngoài và cho bơm cát vào phía trong, rất may không xảy ra thương vong", ông Trạng nói. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ di dời đồ đạc, vật dụng sinh hoạt, bố trí nơi ở tạm cho người dân và giăng dây cảnh báo khu vực nguy hiểm.
Đoạn kè bị sự cố thuộc dự án chống sạt lở bờ sông Măng Thít, dài 900 m, cao 3 m. Đây là hạng mục của dự án nâng cấp tuyến đê bao dọc hai bên bờ sông Măng Thít dài hơn 47 km, tổng đầu tư hơn 1.450 tỷ đồng, thực hiện năm 2016-2025.
Hôm 5/12, sạt lở ở sông Cổ Chiên đã cuốn trôi 13 nhà dân cùng hàng chục ha vườn cây, ao cá ở xã Hoà Ninh, huyện Long Hồ, Vĩnh Long.
Tình trạng xói mòn bờ sông khá phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long. Từ năm 1992, sạt lở ngày càng gia tăng, mỗi năm khu vực mất 300-600 ha đất. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sạt lở do khai thác cát quá mức làm dòng chảy của sông thay đổi.
Từ năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp các bộ ngành trình Chính phủ, Quốc hội hỗ trợ các tỉnh, thành miền Tây hơn 6.600 tỷ đồng để xử lý sạt lở, góp phần ổn định dân sinh, vùng ven sông, ven biển...
Cửu Long