Trong bản báo cáo có tựa đề "Duy trì lợi thế Liên quân trong không chiến tiêm kích thế hệ 5" mới công bố, thiếu tướng Jeff Harrigian, giám đốc Phòng Tích hợp F-35 của không quân Mỹ, vạch rõ phương thức sử dụng chiến đấu cơ F-35 trong trường hợp xảy ra chiến tranh vào năm 2026, theo Defense One.
Theo kịch bản được vạch ra trong bản báo cáo, khi chiến tranh nổ ra, đối phương sẽ tìm cách gây nhiễu radar và sóng radio để làm tê liệt các chiến đấu cơ Mỹ. Trong trường hợp đó, chỉ có các máy bay tàng hình như tiêm kích F-22, F-35 và oanh tạc cơ B-2 và B-21 đủ khả năng xâm nhập và tấn công các mục tiêu được bảo vệ bởi các hệ thống tên lửa đất phòng không di động của đối phương.
"Nếu chúng ta sử dụng tiêm kích thế hệ 4 như F-15, F-16 ở mặt trận Thái Bình Dương, chúng sẽ bị tiêu diệt. Do vậy, cần sử dụng chiến đấu cơ có khả năng hủy diệt và sống sót cao như tiêm kích F-35", tướng Harrigian khẳng định.
Thay vì bố trí tập trung ở siêu căn cứ, chiến đấu cơ F-35 cần được phân tán quanh Thái Bình Dương theo từng tốp nhỏ trên các đường băng dân sự và quân sự, một số nằm cách chiến trường hơn 1600 km. Chiến thuật này giúp phi đội F-35 không bị tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đối phương phá hủy trong đòn tấn công hủy diệt chớp nhoáng vào căn cứ.
"Trong những ngày đầu của cuộc chiến, F-35 trở về căn cứ và phát hiện ra rằng đường băng đã bị hư hại nặng sau các đợt tấn công bằng tên lửa của đối phương. Những chiếc F-35 đó phải chuyển sang sân bay dân sự. Vào thời điểm này, F-22 và F-35 sẽ không cần tới nhân viên kiểm soát không lưu bởi hệ thống máy tính công nghệ cao sẽ dẫn đường cho chúng tới đường băng, ngay cả trong thời tiết xấu", Harrigian viết trong báo cáo.
Trong khi đó, các chiến đấu cơ cũ hơn như tiêm kích F-15, F-16, vốn dễ bị radar đối phương phát hiện, cần phải hiện diện ở khoảng cách xa hơn, nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa của địch.
Theo Harrigian, ngoài việc thay đổi cách bố trí chiến đấu cơ, Lầu Năm Góc còn phải thay đổi cách thức triển khai chúng để giành chiến thắng trong chiến tranh tương lai.
Các tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 cần phải được sử dụng thường xuyên hơn các máy bay thông thường khác. Các chiến đấu cơ tối tân này sẽ tiếp nhận thông tin mục tiêu từ trung tâm chỉ huy thông qua máy tính công nghệ cao và gói liên kết dữ liệu khi tiếp cận chiến trường. Việc kết nối giữa chiến đấu cơ cũ và mới cũng cần phải được cải thiện.
Bên cạnh đó, không quân Mỹ cần xuất kích nhanh hơn với ít trang bị và nhân lực hơn từ các căn cứ tại nước Mỹ do đối phương có thể di chuyển lực lượng trên chiến trường.
Ngoài ra, các chiến đấu cơ thế hệ 5 cũng cần thu thập và truyền tải dữ liệu về trung tâm chỉ huy và máy bay khác, cũng như đưa vào mạng liên kết dữ liệu "đám mây" nhanh chóng hơn.
Chiến đấu cơ thế hệ 5 là các máy bay được trang bị công nghệ tàng hình, máy tính công nghệ cao và các thiết bị cảm biến giúp nó đóng vai trò là trung tâm đầu não trên chiến trường, thu thập, chia sẻ thông tin tình báo và dữ liệu mục tiêu cho các máy bay khác.
"Mọi người đều cảm thấy an tâm hơn khi tiêm kích thế hệ 5 như F-22 hoặc F-35 hiện diện trên chiến trường", Harrigian nhấn mạnh.
Bản báo cáo không nêu đích danh Trung Quốc là kẻ thù trong cuộc chiến tranh này, mà chỉ đề cập đến kịch bản cuộc chiến diễn ra ở "một khu vực trọng yếu tại nước ngoài", trong đó đề cập chi tiết đến việc tiêm kích F-35 cần chuyển hướng sang một căn cứ ở Australia.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Defense One cho rằng chỉ có Trung Quốc và Nga mới sở hữu chiến đấu cơ thế hệ 5 và các hệ thống phòng thủ tối tân cần tới sự can thiệp của tiêm kích F-35. Nga bị loại trừ trong kịch bản này, do nằm ở xa khu vực mặt trận Thái Bình Dương mà báo cáo đề cập.
Xem thêm: Tiêm kích Mỹ dùng răn đe Trung Quốc trên Biển Đông.
Duy Sơn