Tại phiên họp Chính phủ ngày 2/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế. Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ này nhận định, trường hợp Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, GDP quý này ước tính tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01.
Với mức suy giảm trên, nếu các quý còn lại hoàn thành mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 01, lần lượt là 7,11% - 6,71% - 6,67%, tăng trưởng cả năm ước đạt 6,73%, cao hơn mục tiêu của Quốc hội là 6%, nhưng thấp hơn mức Chính phủ đặt ra là 6,5%.
Do vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra trong Nghị quyết, GDP quý II cần tăng 7,11%, quý III và IV lần lượt phải tăng 6,73% và 7,04%, cao hơn mục tiêu đưa ra trước đó 0,02-0,37 điểm phần trăm.
Tuy vậy, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, thu hút nguồn vốn FDI suy giảm và khu vực dịch vụ, du lịch phục hồi chậm.
Theo đó, dịch bệnh dự kiến tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. Bộ trưởng cũng lưu ý đến rủi ro còn biến động chính trị, căng thẳng thương mại và tình hình nợ công trên thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra.
Bộ trưởng cũng cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên giảm 3,2% so với tháng 12 năm ngoái. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,1%. Nguyên nhân có thể do chu kỳ kinh doanh, khi doanh nghiệp thường có xu hướng đẩy mạnh sản xuất trong các tháng cuối năm và tập trung tiêu thụ trong tháng 1. Tuy nhiên cần tiếp tục theo dõi sát sao để đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể đối diện với áp lực lạm phát gia tăng trong cả ngắn và dài hạn.
Riêng về kinh tế xã hội trong tháng 1, theo ông Nguyễn Chí Dũng, tình hình cho thấy xu hướng phục hồi tích cực, có nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Theo đó, sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại, tiêu dùng được thúc đẩy do nhu cầu mua sắm, chuẩn bị Tết của người dân. Lạm phát được kiểm soát dù phải chịu áp lực từ nhu cầu tiêu dùng tăng. Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Việt Nam tiếp tục xuất siêu trong tháng 1, ước đạt 1,3 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công hết tháng 1 ước giải ngân năm 2020 đạt 452.000 tỷ đồng, bằng 96,13% kế hoạch, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ước giải ngân tháng 1 đạt 15.000 tỷ đồng, bằng 3,25% kế hoạch (cùng kỳ đạt 0,95%).
Đức Minh