Guam được coi là cái gai trong mắt Triều Tiên
Triều Tiên hôm 9/8 cho biết đang xem xét kế hoạch phóng tên lửa đạn đạo xuống vùng biển gần đảo Guam và cảnh báo sẵn sàng chiến tranh tổng lực nhằm đáp trả tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Giới chuyên gia nhận định lời đe dọa này là bài toán lớn về chính sách đối với cả lãnh đạo Washington lẫn Bình Nhưỡng, theo New York Times.
Theo kế hoạch, 4 tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM) Hwasong-14 sẽ được Triều Tiên phóng tới khu vực ngoài khơi Guam, một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trên Thái Bình Dương. Các quả đạn dự kiến bay qua khoảng cách 3.356,7 km trong 17 phút 45 giây, rơi xuống vùng biển cách Guam khoảng 30-40 km.
Theo cây bút Choe Sang-hun, nếu Triều Tiên thực sự phóng tên lửa đạn đạo nhắm vào Guam, nó có khả năng gây ảnh hưởng rất lớn tới người đứng đầu hai quốc gia. Trong trường hợp kế hoạch thất bại, uy tín của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể bị ảnh hưởng, nhất là khi ông từng dành nhiều lời ca ngợi chương trình tên lửa đạn đạo Triều Tiên.
Với Tổng thống Trump, một vụ phóng thành công của Triều Tiên tới Guam có thể là đòn giáng mạnh vào uy tín, buộc ông phải xem xét những giải pháp quân sự đầy khó khăn.
Tuy nhiên, giới phân tích Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên vẫn để ngỏ một số khả năng thỏa hiệp với Mỹ. Tuyên bố của Bình Nhưỡng cho thấy vụ phóng này mới trong giai đoạn lên kế hoạch, chỉ có thể hoàn thiện sớm nhất vào cuối tháng 8. Điều này chứng tỏ Triều Tiên vẫn có thể hoãn hoặc hủy vụ phóng nhằm vào Guam bất cứ lúc nào.
"Bằng cách công bố chi tiết kế hoạch, Bình Nhưỡng đang cho thấy Hwasong-12 là tên lửa có độ tin cậy cao, cũng như chứng tỏ nước này đủ khả năng vận hành tên lửa hạt nhân", chuyên gia an ninh Shin Beom-chul thuộc Học viện ngoại giao quốc gia Hàn Quốc, nhận định.
Nếu bay theo đúng kế hoạch, tên lửa Hwasong-12 sẽ rơi trên vùng biển quốc tế, bên ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý (22 km) xung quanh Guam. Đây sẽ là lần đầu tên lửa Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật, nhưng độ cao quỹ đạo của chúng vượt trên mức 100 km so với mực nước biển, vốn được coi là giới hạn không phận của một quốc gia.
Kế hoạch phóng tên lửa này dường như là một phản ứng liều lĩnh của ông Kim trước phát biểu của ông Trump, nhưng các nhà phân tích cho rằng nó phản ánh chiến lược được tính toán cẩn thận của Bình Nhưỡng.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sử dụng vụ phóng này để chứng tỏ cho người dân thấy sự táo bạo khi thách thức Mỹ, quốc gia đối địch với Triều Tiên trong hơn 60 năm qua. Chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo được coi là niềm tự hào quốc gia của Bình Nhưỡng, nước này coi lệnh cấm vận quốc tế là âm mưu phá hoại do Washington đứng đầu.
Ngay cả khi kế hoạch phóng chưa hoàn tất, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng khó lòng đảo ngược quyết định đã thông qua nếu muốn giảm căng thẳng. Việc nhượng bộ Mỹ sẽ bị coi là hành động mềm yếu, khiến quyền lực và uy tín của ông Kim Jong-un suy giảm.
Giới lãnh đạo Triều Tiên là các chiến lược gia rất cẩn trọng, nhưng luôn tạo dựng hình ảnh cho thấy họ là người mạo hiểm tới mức vô lý, nhằm đe dọa đối thủ như Mỹ và Hàn Quốc. "Giữa những tuyên bố táo bạo và tự tin, Bình Nhưỡng có thể đang ra tín hiệu, đề nghị Washington giúp họ kìm hãm chính bản thân mình", ông Kim Dong-yub, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Viễn Đông của Hàn Quốc cho hay.
Loạt phóng tên lửa nhằm vào Guam cũng là một thử thách khó khăn với Mỹ và các đồng minh. Nếu Washington quyết định đánh chặn 4 quả Hwasong-12, đây sẽ là lần đầu tiên lá chắn phòng không của họ đối mặt với tên lựa thực sự từ một quốc gia đối địch.
Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ không trang bị đầu đạn chiến đấu cho 4 tên lửa phóng tới Guam. Nhưng nếu nỗ lực đánh chặn 4 tên lửa này thất bại, danh tiếng của lá chắn tên lửa Mỹ sẽ sụp đổ, khiến nước này khó lòng thuyết phục các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản cho phép triển khai các hệ thống chống tên lửa đạn đạo trên lãnh thổ của họ.
"Phản ứng của Bình Nhưỡng sẽ tỷ lệ thuận với những hành động từ phía Mỹ. Nhưng màn đấu khẩu giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể dẫn tới xung đột quân sự, nếu hai bên hiểu nhầm dụng ý của nhau", ông Cheon Seong-whun, cựu cố vấn chiến lược an ninh cho tổng thống Hàn Quốc, nhận định.
Tử Quỳnh