Một trong hai hành khách trên chiếc máy bay tư nhân từ Mexico sang El Paso, bang Texas, Mỹ là Joaquin Guzman Lopez, khoảng 38 tuổi, con trai trùm ma túy khét tiếng Joaquin "El Chapo" Guzman Loera, kẻ đang thụ án chung thân trong một nhà tù an ninh nghiêm ngặt ở Colorado.
Hành khách còn lại là trùm ma túy Ismael "El Mayo" Zambada, người đã cùng "El Chapo" sáng lập băng đảng Sinaloa. Sau khi "El Chapo" bị bắt, Zambada, 76 tuổi, được coi là thủ lĩnh băng đảng.
Ông trùm này là mục tiêu hàng đầu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) suốt 40 năm qua, với khoản tiền thưởng lên tới 15 triệu USD cho người cung cấp manh mối bắt giữ.
Zambada bước lên chiếc máy bay hôm 25/7 mà không ngờ rằng Joaquin đã phản bội mình và nhóm người chờ sẵn trên trên đường băng ở El Paso là các đặc vụ FBI.
Vụ bắt Zambada diễn ra sau nhiều cuộc đàm phán giữa FBI và Joaquin, ông trùm trẻ tuổi của băng Sinaloa. Các đặc vụ FBI đã nhiều lần thuyết phục Joaquin nộp mình, nhưng không đặt nhiều hy vọng về cơ hội thành công.
Bởi vậy, họ đã vô cùng bất ngờ khi Joaquin cuối tuần trước nhắn tin thông báo sẽ đầu thú và sẽ tới Mỹ cùng Zambada. "El Mayo là mục tiêu ngoài sự mong đợi", một quan chức Mỹ giấu tên cho hay. "Không ai ngờ có thể bắt được ông ta".
Giới chức Mỹ cho hay Joaquin đã lừa Zambada lên máy bay bằng cách nói với ông ta họ đang tới xem bất động sản ở phía bắc Mexico. FBI lập tức phối hợp với Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa (HSI) yêu cầu nhân viên từ các văn phòng địa phương ở El Paso khẩn cấp đến sân bay để giăng lưới. Kế hoạch gấp gáp đến mức các đặc vụ suýt không đến kịp đường băng lúc phi cơ hạ cánh.
Một công nhân tại sân bay quốc tế hạt Dona Ana, New Mexico, gần El Paso, cho biết đã nhìn thấy chiếc máy bay cỡ nhỏ Beechcraft King Air hạ cánh trên đường băng chiều 25/7, nơi đặc vụ liên bang chờ sẵn.
"Hai người xuống máy bay và bị bắt mà không kháng cự", người này nói.
Việc FBI bất ngờ bắt El Mayo và cách ông ta bị Joaquin phản bội đã làm chấn động giới buôn bán ma túy ở Mexico, làm dấy lên nỗi lo về sự rạn nứt đẫm máu giữa hai gia đình kiểm soát những địa bàn lớn nhất trong băng đảng Sinaloa.
Zambada được coi là một trong những tay trùm ma túy gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mexico. Joaquin, con trai của "El Chapo", kế thừa di sản từ cha và quản lý một phần băng đảng Sinaloa.
Hiện chưa rõ nguyên nhân thực sự khiến Joaquin phản bội bậc cha chú trong băng đảng, nhưng các nguồn tin cho hay nhiều khả năng anh ta muốn đạt được thỏa thuận có lợi hơn với Mỹ và giúp đỡ anh trai Ovidio, người đã bị bắt và dẫn độ sang Mỹ năm 2023.
Giới chức Mỹ thường xuyên nhắm đến các ông trùm ma túy để đàm phán thỏa thuận nhận tội và đổi lấy thông tin giá trị hơn để bắt các lãnh đạo cấp cao. Một quan chức cho biết Mỹ đã bí mật liên lạc với Joaquin thông qua luật sư. Jeffrey Lichtman, luật sư đại diện cho hai anh em nhà Guzman, từ chối bình luận.
Trong phiên tòa ngày 26/7 ở Texas, Zambada ngồi xe lăn ra trình diện và phủ nhận mọi cáo trạng liên quan tới buôn bán ma túy, điều hành đường dây tội phạm, âm mưu nhập khẩu ma túy và rửa tiền.
Luật sư của ông ta, Frank Perez, tuyên bố thân chủ không tự nguyện tới Mỹ mà đã bị Joaquin bắt cóc ở Mexico và cưỡng ép đưa tới Mỹ. Joaquin sẽ hầu tòa trong tuần này ở Chicago, nơi anh ta bị truy tố tội buôn bán ma túy khoảng 6 năm trước.
Joaquin là một trong 4 con trai của El Chapo, những người được gọi là "Chapo nhỏ" thừa kế phe phái của cha trong băng đảng Sinaloa. Joaquin và Ovidia là anh em ruột, trong khi hai người còn lại gồm Ivan và Jesus Alfredo là con riêng của El Chapo trong cuộc hôn nhân đầu tiên.
Các con trai của El Chapo hung hăng và nóng nảy hơn Zambada, người thích ẩn sau bóng tối điều hành. Chính quyền Mỹ từng treo thưởng 15 triệu USD cho người cung cấp thông tin để bắt Zambada và 5 triệu USD cho Joaquin. Cả hai đối mặt bản cáo trạng nhiều tội danh ở Mỹ.
Trong những năm gần đây, Joaquin và Ovidia liên tục bị chính quyền Mỹ gây sức ép và coi là mục tiêu truy bắt.
Hồi tháng 10/2019, quân đội Mexico từng bắt Ovidio nhưng buộc phải thả sau khi hàng trăm đàn em trong băng Sinaloa chặn đường và đấu súng với các binh sĩ tại thành phố Culiacan, thủ phủ bang Sinaloa.
Quân đội Mexico tiếp tục bắt Ovidio hồi tháng 1/2023. Anh ta bị dẫn độ sang Mỹ vào tháng 9 cùng năm.
Matthew Allen, cựu đặc vụ phụ trách chi nhánh Arizona của HSI, người đã lập cáo trạng Joaquin và một số thành viên trong Sinaloa, cho biết FBI nhiều lần tiếp xúc với cả Zambada và Joaquin để đàm phán thỏa thuận đầu thú, nhưng thường không có kết quả.
Mỹ tuyên bố Sinaloa là băng nhóm buôn bán fentanyl lớn nhất vào Mỹ. Tình trạng sốc fentanyl đang tăng vọt ở Mỹ, là nguyên nhân chính gây tử vong ở người Mỹ trong độ tuổi 18-45.
Fentanyl là một trong những loại thuốc giảm đau opiod mạnh nhất, có tính gây nghiện cao, hơn heroin 50 lần và morphine 100 lần. Năm 2022, fentanyl khiến 110.000 người Mỹ thiệt mạng. Năm 2023, Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA) thu giữ 386 triệu liều fentanyl, đủ sức giết chết toàn bộ người Mỹ.
Ray Donovan, cựu quan chức cấp cao DEA, cho hay nguyên nhân chính khiến các ông trùm Sinaloa bị bắt là do họ quá phụ thuộc vào buôn bán fentanyl. Loại ma túy này đang là chủ đề chính trị nổi cộm ở Washington, khi số người chết vì sốc fentanyl trên đường phố Mỹ gia tăng.
"Số người Mỹ tử vong vì fentanyl đang gây ra sức ép chính trị lớn, buộc chính quyền phải hành động", Donovan nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/7 thông báo vụ bắt hai trùm ma túy Mexico và tuyên bố sẽ tiếp tục chống "đại họa fentanyl".
Một quan chức Mỹ lưu ý vẫn còn nhiều nghi vấn chưa thể giải đáp về lý do Zambada, ông trùm nổi tiếng thận trọng, lại có mặt trên máy bay cùng Joaquin. Bộ trưởng An ninh Mexico Rosa Icela Rodriguez cho biết Mexico đã được Mỹ thông báo nhưng không tham gia chiến dịch lần này.
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đang thận trọng hơn trong việc xử lý các băng đảng ma túy, hạn chế hợp tác an ninh với Mỹ vì lo ngại chiến lược tấn công các trùm ma túy trước đây của Mỹ và Mexico đang khiến tình trạng bạo lực lan rộng khắp đất nước.
Cựu đặc vụ Allen, người vẫn liên lạc với đồng nghiệp cũ tại HSI, cho biết nhiều tay buôn ma túy, đặc biệt là người thuộc thế hệ trẻ, nhận thấy việc đầu thú với giới chức Mỹ, ngồi tù một thời gian rồi ra ngoài tiêu tiền tốt hơn là mạo hiểm sống chết với đối thủ ở Mexico hoặc bị chính quyền bắt và lĩnh án chung thân. Một số người phản bội và cung cấp thông tin về những ông trùm quan trọng thậm chí còn được hưởng chương trình bảo vệ nhân chứng tại Mỹ.
"Họ nhận ra cách này có thể giúp họ có thời gian tận hưởng cuộc sống mà không phải lo lắng suốt quãng đời còn lại", Allen nói.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)