Kế hoạch trên là một phần trong Chiến dịch Công Xanh (Operation Blue Peacock), từng được quân đội Anh bí mật triển khai trong những năm căng thẳng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh với Liên Xô, theo Guardian.
Theo đó, 10 thiết bị nổ với sức công phá mạnh gấp 5 lần quả bom nguyên tử thả xuống Nagasaki, Nhật Bản hồi năm 1945, sẽ được gài tại nhiều khu vực trên lãnh thổ Tây Đức cũ. Trong trường hợp quân đội Liên Xô tràn sang từ Đông Đức, chính quyền Anh sẽ kích nổ các thiết bị này, tạo ra những hố sâu hơn 180 m và phủ bụi phóng xạ trên một khu vực rộng lớn.
Những quả mìn hạt nhân khổng lồ này có thể được chôn dưới lòng đất hoặc để lộ thiên và kích nổ bằng dây dẫn dài 4,8 km hay thiết bị hẹn giờ. Để ngăn việc những quả mìn bị đối phương vô hiệu hóa, các kỹ sư Anh còn lắp đặt thêm cả thiết bị chống can thiệp bên trong quả mìn. Nếu vỏ mìn bị đạn bắn xuyên qua hoặc ai đó di chuyển chúng hay đổ đầy nước vào bên trong, mìn sẽ tự nổ sau khoảng 10 giây.
David Hawkings, cựu nhân viên trực thuộc Lực lượng Vũ khí Hạt nhân (AWE) ở thành phố Aldermaston, hạt Berkshire, Anh, đã tìm thấy các tài liệu từ những năm 1950 được giải mật của quân đội Anh tại Cơ quan Lưu chiểu Quốc gia. Trong bài viết trên tạp chí Discover của AWE, ông Hawkings cho biết những thông số thiết kế của Văn phòng Chiến tranh cho thấy một quả mìn hạt nhân như thế lần đầu xuất hiện vào cuối năm 1954.
"Mìn hạt nhân được gài khéo léo sẽ không chỉ phá hủy thiết bị và cơ sở hạ tầng của địch trên diện rộng mà còn khiến đối phương không thể chiếm đóng một khu vực nào đó trong thời gian dài do ô nhiễm phóng xạ", một văn bản do kỹ sư trưởng quân đội Anh soạn thảo năm 1955 viết.
Mục tiêu tấn công được đề xuất bao gồm các hệ thống tưới tiêu, thủy điện, nhà máy công nghiệp, cơ sở lọc dầu, giao lộ, đường sắt cùng những hệ thống kênh rạch.
Dùng gà sưởi ấm mìn hạt nhân
Tháng 7/1957, quân đội Anh quyết định đặt hàng chế tạo 10 quả mìn hạt nhân và lên kế hoạch chuyển chúng cho các lực lượng đóng tại Đức, tạp chí New Scientist cho hay. Tuy nhiên, một trong những trở ngại mà các nhà thiết kế gặp phải là các quả mìn có thể không hoạt động nếu thời tiết quá lạnh. Quân đội Anh lúc bấy giờ nảy ra ý tưởng bọc mìn bằng sợi thủy tinh. Một gợi ý khác là lợi dụng thân nhiệt của những con gà sống để bảo vệ mìn.
Theo BBC, một tài liệu năm 1957 khẳng định, những con gà sống có khả năng tạo ra nhiệt lượng đủ để đảm bảo mìn vẫn hoạt động dù bị chôn xuống đất một tuần. Gà sẽ được thả vào trong vỏ của quả mìn cùng thức ăn. Nhờ đó, chúng vẫn sống tốt và không mổ vào hệ thống dây dẫn.
Chuyên gia ước tính các con gà có thể sống trong không gian kín khoảng 7 ngày. Sau thời gian đó, con gà bên trong cần được thay thế, nếu không quả mìn dễ rơi vào trạng thái bị đông cứng và không thể kích nổ khi nhiệt độ xuống quá thấp.
Tuy vậy, sau nhiều lần cân nhắc, tính đến cả việc bụi phóng xạ bị phát tán khi mìn nổ ở mức không thể chấp nhận được hay việc đặt một thiết bị hạt nhân như vậy trên lãnh thổ quốc gia đồng minh là thách thức lớn về mặt chính trị, Bộ Quốc phòng Anh tháng 2/1958 đã hủy chiến dịch Công Xanh.
Bộ Quốc phòng Anh chỉ sản xuất hai phiên bản mẫu của loại mìn hạt nhân kể trên, và chúng hiện được AWE trưng bày như một hiện vật lịch sử thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Hoàng Nguyên