"Tôi đấy!" Van Eijck, 76 tuổi nói. "Đó là ảnh tôi thời 21 tuổi!".
Eijck mơ ước làm phi công từ khi lên 7 tuổi. Tuy nhiên, kết quả học tập không quá xuất sắc khiến Eijck lo ngại không đạt được số điểm cần thiết để trở thành phi công.
Năm 19 tuổi, Eijick nghe nói về cơ hội gia nhập hải quân Hà Lan với tư cách thợ điện thực tập sinh và nếu làm tốt thì có thể nộp đơn xin tham gia khóa đào tạo phi công của hải quân. Tràn đầy lạc quan, Van Eijck không ngần ngại đăng ký tham gia chương trình trong 8 năm.
"Tôi có khởi đầu tốt", Eijick nói. "Tôi đã được chọn vào chương trình phi công và tôi rất thích thú".

Van Eijck tại Hà Lan những năm 1960. Ảnh: BBC.
Nhưng đầu năm 1964, sau khi tích lũy khoảng 40 giờ bay, Eijck dự một bữa tiệc trong doanh trại ở Hà Lan và ngà ngà say. Sĩ quan chỉ huy của anh cũng có mặt trong bữa tiệc và yêu cầu Eijck phát biểu cảm nghĩ thẳng thắn về chất lượng của chương trình huấn luyện phi công (do quân Bỉ và hải quân Hà Lan phối hợp), hứa hẹn rằng đây chỉ là cuộc tâm sự riêng, không ảnh hưởng đến công việc.
Được lời như cởi tấm lòng, chàng trai 21 tuổi nói chuyện cởi mở với viên chỉ huy. Anh cho rằng mình cần được huấn luyện trên một chiếc máy bay "danh giá" hơn, như máy bay tác chiến chống ngầm Grumman Tracker chứ không phải máy bay huấn luyện hai động cơ mà người Bỉ đang sử dụng. Những chiếc máy bay họ đang dùng để huấn luyện là "đồ bỏ đi", Eijick nói với cấp trên.
Cho đến thời điểm đó, Van Eijck có thành tích bay hoàn hảo, nhưng ngay ngày hôm sau, bảng điểm của anh bị đánh dấu bằng ký hiệu cảnh báo màu cam, nghĩa là có nguy cơ bị đánh trượt. Tức giận vì sự bất công, Eijick viết một vài lời chỉ trích về tiến độ chậm chạp của chương trình đào tạo trên bảng đen của lớp học khi chờ đợi huấn luyện viên.
Động thái đó khiến Eijick bị giam tại doanh trại vào cuối tuần, nhưng anh mở được chốt phòng giam và trốn thoát. Khi bị phát hiện, Eijick ngay lập tức bị loại khỏi chương trình đào tạo phi công.
Một cấp trên của Van Eijck khuyến khích anh nộp đơn kiến nghị để đảo ngược quyết định nhưng đã vô tình đưa cho anh mẫu đơn sai. Ba tháng sau, Eijck mới nhận được thông báo rằng anh đã không tuân thủ đúng quy trình khiếu nại và đã quá muộn để làm gì thêm. Anh không còn được đào tạo thành phi công và phải phục vụ 6 năm còn lại trong hải quân với tư cách là thợ điện.
"Tôi đến từ một gia đình lớn", Van Eijck, con thứ 9 trong gia đình có 12 con, nói. "Và trong gia đình, chúng tôi biết điều gì là đúng, là sai. Những gì xảy ra với tôi là quá sai, thật không công bằng".
Chán nản và tuyệt vọng khi giấc mơ làm phi công tan vỡ, Eijck xin được xuất ngũ nhưng liên tục bị từ chối. Vì vậy, anh bắt đầu nghĩ kế để đưa mình ra khỏi quân đội. "Tôi không kể kế hoạch với bất kỳ ai", Eijck nói. "Nếu tôi tiết lộ thì mọi việc sẽ đổ bể".
Eijck cho rằng "tấm vé tự do" của mình là đánh cắp một chiếc máy bay. Anh tìm thấy một tài liệu hướng dẫn điều khiển máy bay Grumman Tracker và giấu nó trong tủ đồ. Trong khi bạn bè đi uống rượu hoặc đi ngủ, Van Eijck bí mật nghiên cứu sách. Anh cũng kết bạn với các phi công có trình độ và trò chuyện với họ về cách khởi động động cơ, cất cánh hay điều khiển.
"Họ không biết tại sao tôi lại quan tâm!", Eijck nói. "Nhưng nếu bay đi từ Hà Lan, đường đi sẽ rất khó khăn. Và rồi một ngày, họ yêu cầu các tình nguyện viên diễn tập hai tháng ở Malta (quốc gia nam Âu giáp với Italy) với hải quân Anh. Tôi nghĩ: từ Malta, tôi có thể bay tới bất cứ đâu!".

Máy bay Grumman Tracker. Ảnh: BBC.
Tại Malta, Eijck thường có mặt ở sân bay, trò chuyện với các thợ máy và xem họ làm việc. Vào sáng sớm và buổi tối, anh tiếp tục nghiên cứu cách điều khiển máy bay Grumman Tracker. Cuối tuần cuối cùng trước khi hoàn thành đợt diễn tập ở Malta, Eijck tham dự bữa tiệc chia tay ở căn cứ nhưng cẩn thận giữ tỉnh táo.
Sáng hôm sau, Eijck dậy sớm, mượn một chiếc xe đạp và đạp xe ra đường băng, nói với lính canh rằng anh là Jansen, một cái tên rất thông dụng ở Hà Lan. Lính canh không biết Eijick là ai nhưng vẫn giúp mở cửa nhà chứa máy bay.
Eijck đã lên kế hoạch cho vụ trộm tỉ mỉ. Anh giấu súng lục và khóa xe đạp của lính canh, rút micro khỏi điện thoại trong văn phòng của anh ta để đảm bảo mọi việc trót lọt.
"Tôi khởi động động cơ, bật radio, tháp kiểm soát không lưu hỏi tôi là ai và tôi đang làm gì. Tôi không trả lời. Tôi cho máy bay lăn bánh trên đường băng và sau đó... tôi biến mất".
Bay ở độ cao 5.000 m trên Địa Trung Hải để tiết kiệm nhiên liệu, Van Eijck hoàn toàn đơn độc trên bầu trời, với chiếc máy bay săn ngầm của hải quân Hà Lan, trang bị hai quả ngư lôi bên trong thân, hướng tới vùng trời Bắc Phi.
"Đó là trải nghiệm tuyệt vời nhất, tôi đang làm điều mà mọi người nói không thể làm được và chỉ có một mình thực hiện tất cả. Chỉ có tôi ở trong cỗ máy lớn này, mạnh mẽ hơn bất kỳ ai khác, đơn độc trên bầu trời rộng lớn đó".
"Tôi cũng có chút lo lắng về hai quả ngư lôi", Van Eijck kể. "Nhưng tôi nhất quyết phải làm vì tôi chỉ muốn thoát khỏi hải quân". Eijick nghĩ về mẹ mình khi chạy trốn. "Một tuần trước đó, bà ấy gửi cho tôi món quà là một cây thánh giá bằng bạc. Bà có vẻ linh cảm được tôi định làm gì đó liều lĩnh".
Hải quân Hà Lan đã điều ba máy bay để truy lùng người lính đào tẩu. Các phi công sau đó kể với Eijck rằng họ chỉ cố gắng liên lạc với ông qua radio để yêu cầu ông làm theo họ. "Họ không được lệnh bắn hạ tôi. Và hãy nhớ rằng, tôi có hai quả ngư lôi trên máy bay", Eijck nói.
Trong 5,5 giờ bay sau đó, Van Eijck, 21 tuổi, tự hỏi đâu có thể là nơi an toàn nhất để hạ cánh. Anh quyết định bay tới Benghazi, Libya, nơi anh nhìn thấy một khoảng đất có thể dùng để hạ cánh và một vài túp lều ở hai bên. Khu vực này có nhiều cừu khiến anh phải lái máy bay vài vòng để xua đuổi các con vật.
Người đầu tiên chạy ra khỏi những túp lều gần nơi Eijck hạ cánh cũng là người Hà Lan. Khi kể cho anh này nghe câu chuyện của mình, Eijck nhận ra mình chưa suy nghĩ thấu đáo về kế hoạch. Người đàn ông cảnh báo anh sẽ gặp rắc rối và nếu trở về, anh chắc chắn phải ngồi tù.
Nghe theo lời khuyên của đồng hương, Eijck ra đầu thú cảnh sát Libya. Anh khai rằng anh trốn khỏi châu Âu vì phản đối quan điểm theo xu hướng tự do về đồng tính luyến ái và phụ nữ, sau đó được phía Libya cho phép tị nạn chính trị.

Van Eijck tại Hà Lan vào năm nay. Ảnh: BBC.
Khi quân đội Hà Lan đến để đòi lại máy bay và yêu cầu đưa người lính đào ngũ về nước, Eijick từ chối gặp họ. Sau một tuần đàm phán với đại sứ Hà Lan, Eijck đồng ý dàn xếp một thỏa thuận. Anh sẽ trở về Hà Lan và ngồi tù 12 tháng vì tội đào ngũ. Đổi lại, anh sẽ được giải ngũ khỏi lực lượng hải quân trong danh dự.
"Tôi có được điều tôi muốn!", Van Eijck giải thích. "Tôi rất muốn ra khỏi hải quân và tôi đã nhận được điều đó. Tôi không hối hận về những gì mình đã làm".
Sau khi ra tù, Van Eijck thi được giấy phép làm phi công tư. "Đó là tất cả những gì tôi muốn", Eijck nói. "Tôi chỉ muốn bay".
Eijck cầm bức ảnh ông ngồi trong buồng lái trước khi bị loại khỏi chương trình đào tạo phi công. "Giờ nhìn lại, tôi chỉ biết cảm thán 'tôi đã làm cái quái gì vậy, đồ ngốc, sao lại có thể nảy ra ý tưởng ngu ngốc như vậy?'".
"Đôi khi tôi vẫn không thể tin được rằng tôi thực sự đã làm điều đó!", Eijck nói. "Nhưng đó cũng thực sự là một trải nghiệm phi thường, tuyệt diệu!".
Phương Vũ (Theo BBC)