Olof Palme, sinh năm 1927 tại Stockholm, nhậm chức Thủ tướng Thụy Điển năm 1982. Tối 28/2/1986, sau khi xem một bộ phim hài tại rạp chiếu phim Grand ở trung tâm thủ đô, ông và vợ đi bộ về phía ga tàu điện ngầm để về nhà.
Palme trước đó đã quyết định cho các vệ sĩ về nghỉ. Vào 23h21, một kẻ xuất hiện từ phía sau và nổ súng vào vợ chồng ông.
Palme bị trúng đạn ở gáy, trong khi viên đạn thứ hai sượt qua Lisbeth, khiến bà bị thương. Sát thủ tháo chạy khỏi hiện trường trước khi một nhóm người đi bộ chạy đến giúp đỡ Thủ tướng Palme. Ông được đưa đi cấp cứu nhưng qua đời tại bệnh viện rạng sáng 1/3/1986.
Hơn 25 nhân chứng đã cung cấp lời khai cho cảnh sát. Hung thủ là một người đàn ông khoảng 30-50 tuổi, cao khoảng 1m80-1m85, mặc áo khoác tối màu. Tuy nhiên, không ai nhìn rõ diện mạo y.
Một loạt giả thuyết được đưa ra. Được nhiều người coi là chính trị gia có ảnh hưởng và gây tranh cãi nhất trong lịch sử Thụy Điển hiện đại, Olof Palme có nhiều kẻ thù, cả trong và ngoài nước.
Một ngày sau vụ ám sát, cảnh sát nhận được thông tin tố cáo hung thủ có thể là Victor Gunnarsson, 33 tuổi, cựu thành viên đảng Công nhân châu Âu (EAP), nhóm cáo buộc Palme thông đồng với cả cơ quan tình báo Liên Xô KGB và cơ quan tình báo Mỹ CIA.
Với sự căm ghét mà Gunnarsson dành cho Palme, có vẻ hợp lý khi nhận định anh ta là hung thủ. Dấu vết thu được trên áo khoác của Gunnarsson cho thấy anh ta mới bắn súng nhưng không thể chứng minh nó là hung khí. Một tuần sau, anh ta được thả nhưng vẫn bị theo dõi chặt chẽ. Ngày 16/5/1987, cuộc điều tra về Gunnarsson khép lại. 7 năm sau, thi thể Gunnarsson được phát hiện ở khu rừng bên ngoài Salisbury, Bắc Carolina, Mỹ với hai phát đạn bắn vào đầu.
Một tuần sau vụ ám sát Palme, cảnh sát tập trung điều tra Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức vũ trang chống lại chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Palme xác định họ là tổ chức khủng bố với cáo buộc họ sát hại một số cựu thành viên ở Thụy Điển năm 1984 và 1985.
Sáng 20/1/1987, cảnh sát Thụy Điển bắt 20 người Kurd để thẩm vấn dù không có bằng chứng, nhưng họ không thu được manh mối nào. Tất cả nghi phạm là thành viên PKK sau đó đều được thả.
Năm 1998, PKK cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng bôi nhọ PKK bằng cách vu cho họ ám sát Palme. Tháng 4/2001, một nhóm cảnh sát Thụy Điển đến gặp lãnh đạo PKK Abdullah Öcalan trong nhà tù Thổ Nhĩ Kỳ để tìm hiểu về cáo buộc một nhóm người Kurd do vợ cũ của Öcalan cầm đầu đã sát hại Palme. Chuyến thăm này không thu về kết quả.
Đầu năm 1987, cảnh sát nhận được tố cáo rằng Christer Pettersson, người từng bị thẩm vấn ngay từ đầu cuộc điều tra, có khuôn mặt giống bản phác thảo chân dung nghi phạm cảnh sát đã công bố. Pettersson là một kẻ nghiện ma túy, nghiện rượu và từng ngồi tù vì ngộ sát.
Pettersson bị thẩm vấn vào tháng 12/1988 và cảnh sát đã thực hiện biện pháp nhận dạng nghi phạm là chụp ảnh Pettersson đứng cùng một số người có chiều cao, vóc người, nước da tương tự. Lisbeth được cho xem ảnh này và xác định Pettersson là kẻ giết người. Mùa hè năm 1989, Pettersson bị buộc tội.
Nhưng nửa năm sau, Pettersson được tha bổng và được bồi thường 50.000 USD vì bị buộc tội sai do cảnh sát đã không làm việc khách quan. Trước khi cảnh sát cho Lisbeth nhận dạng hung thủ, bà được thông báo rằng nghi phạm là người nghiện rượu. So với những người đàn ông khác, rõ ràng Pettersson phù hợp với mô tả này.
Trái ngược với các nhân chứng khác, Lisbeth nói rằng kẻ giết người đã ngoái đầu lại nhìn và bà đã thấy mặt của hung thủ. Tuy nhiên, bà từ chối cho phép cảnh sát ghi âm lời khai và cũng không tham gia tái dựng hiện trường án mạng. Vài năm sau vụ ám sát, Lisbeth đưa ra một số mô tả mâu thuẫn về khuôn mặt của kẻ giết người. Bà cũng không cho phép các thám tử ghi chép, nghĩa là họ phải ghi nhớ và kể lại những mô tả của bà cho các họa sĩ phác họa chân dung.
Pettersson một lần nữa được xác định là nghi phạm chính vào tháng 1/1997. Cảnh sát và các công tố viên lại đưa ra cáo buộc vào năm 1998 nhưng bị tòa án tối cao bác bỏ. Một bộ phim tài liệu phát sóng trên đài truyền hình SVT năm 2006 cho rằng Pettersson thực sự là kẻ giết Thủ tướng Palme, vì anh ta đã nhận nhầm Palme với kẻ buôn ma túy Sigge Cedergren, người anh ta nợ tiền. Pettersson chết vào năm 2004.
Một thuyết âm mưu khác là cảnh sát dính líu tới vụ ám sát và họ đã cố tình để cuộc điều tra đi sai hướng. Có nhiều sĩ quan trong lực lượng cảnh sát Thụy Điển có quan điểm cực hữu từng công khai bày tỏ sự căm ghét với Palme. Có tin đồn rằng một số cảnh sát đã mở champagne ăn mừng sau vụ ám sát. Năm 2010, các tài liệu từ cuộc điều tra chính thức được giải mật, tiết lộ rằng một số sĩ quan cánh hữu tuyên bố họ biết ai là kẻ ám sát. Tuy nhiên, không có cuộc điều tra quy mô nào nhằm về phía cảnh sát được tiến hành.
Mật vụ Thụy Điển cũng bị nghi ngờ vì Palme không có vệ sĩ đi theo. John-Erik Hahne, vệ sĩ lâu năm của Palme, tháp tùng Thủ tướng vào ban ngày nhưng không có mặt vào buổi tối. Theo Hahne, Palme đã yêu cầu được ở một mình vào cuối tuần để ông dành thời gian viết bài phát biểu. Thủ tướng nói với Hahne rằng ông sẽ gọi cho anh nếu cần.
Năm 2012, một trong những người con trai của Palme chỉ trích Mật vụ, nói rằng khi bà Lisbeth tìm vệ sĩ vào tối hôm đó, bà không thể liên lạc được với bất kỳ ai. Tuy nhiên, cảnh sát bác bỏ thông tin này, cho rằng Lisbeth đã nhớ nhầm. Hahne khẳng định chuyện đó không xảy ra.
Chỉ một tuần trước vụ ám sát, Olof Palme có bài phát biểu trước quốc hội Thụy Điển để lên án chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi. Điều này làm dấy lên nghi ngờ Nam Phi đứng sau vụ ám sát.
Tháng 9/1996, cựu cảnh sát Nam Phi Eugene de Kock nói với Tòa án Tối cao Nam Phi rằng Palme bị bắn chết vì "phản đối mạnh mẽ chế độ Apartheid". De Kock cáo buộc người sát hại Palme là Craig Williamson, một đồng nghiệp cũ của mình trong lực lượng cảnh sát, đồng thời một điệp viên. Các nhà điều tra Thụy Điển đã đến Nam Phi nhưng không thể tìm ra bằng chứng chứng minh cáo buộc của de Kock.
Năm 1986, Ấn Độ mua lô pháo trị giá 8,6 tỷ SEK (hơn 900 triệu USD) từ nhà sản xuất vũ khí Thụy Điển Bofors - đơn đặt hàng vũ khí lớn nhất trong lịch sử Thụy Điển. Vài giờ trước khi bị ám sát, Palme đã gặp Đại sứ Iraq tại Thụy Điển Mohammed Saeed al-Sahhaf. Một số người suy đoán rằng trong cuộc họp này, Palme đã được thông báo rằng một khoản hối lộ 320 triệu SEK đã được gửi vào tài khoản ngân hàng của một người trung gian ở Thụy Sĩ để "bôi trơn" thỏa thuận vũ khí.
Trong cuốn sách xuất bản năm 2005, nhà sử học Jan Bondeson nêu giả thuyết Palme bị ám sát vì có người muốn ngăn ông chặn thỏa thuận. Thương vụ cuối cùng được thông qua vào ngày tổ chức tang lễ của Palme.
Năm 2018, tạp chí Thụy Điển Filter đăng loạt bài của nhà báo Thomas Petterson, xác định hung thủ có thể là Stig Engström, thành viên đảng cực hữu Moderates, làm việc cho công ty bảo hiểm Skandia cách hiện trường vài mét. Petterson nêu giả thuyết Engström căm ghét Palme và các chính sách của ông nên đã nổ súng khi tình cờ bắt gặp Palme trên đường chứ không lên kế hoạch trước. Engström từng bị cảnh sát cân nhắc đưa vào danh sách nghi phạm nhưng sau đó được loại bỏ. Ông ta đã tự tử vào năm 2000.
34 năm sau, vụ ám sát Olof Palme vẫn chưa có lời giải. Văn phòng Công tố Thụy Điển sẽ quyết định thúc đẩy hoặc khép lại cuộc điều tra vào ngày 10/6. Giới chuyên gia và báo giới Thụy Điển gần đây cho rằng kịch bản có khả năng nhất là khép lại cuộc điều tra, bởi những người bị cho là nghi phạm đều đã chết.
Anna Sundstrom, tổng thư ký Trung tâm Quốc tế Olof Palme, không kỳ vọng sẽ có thông tin đột phá nào được đưa ra. "Tôi không trông đợi điều gì. Nhưng dù thế nào, việc khép lại điều tra cũng quan trọng. Bạn cần khép lại vụ án mặc dù không tìm ra lời giải", bà nói.
Phương Vũ (Theo Jacobin/BBC)