Trong suốt gần 100 năm hiện hữu của Pháp, nhiều từ gốc Pháp đã được ngữ Việt hóa được sử dụng thường xuyên trong giáo dục, khoa học và đời sống hàng ngày.
Người ta thống kê chưa đầy đủ rằng, có đến hơn 150 từ ngữ Pháp đã được Việt hóa và sử dụng cho đến tận hôm nay một cách thuần thục mà không cần phải dịch ra hẳn tiếng Việt.
Vài ví dụ có thể dẫn ra như sau:
Amatơ - amateur; áp phe - affaire; ăng ten- antenne; ba-tê - pâté; ba-toong - bâton; cà vẹt (bằng lái xe) - carte verte (permis de conduire)...
Liệt kê vài từ ví dụ để thấy rằng: những từ có thể là vay mượn từ tiếng nước ngoài, nhưng qua thời gian mà dân chúng chấp nhận, hiểu ngữ nghĩa của nó thì có thể cứ tiếp tục sử dụng, dù tiếng Việt đã có từ tương đương.
Và ngược lại, nếu phải làm quen với những từ ngữ từ nước ngoài nhưng hoàn toàn xa lạ, thậm chí "nửa nạc nửa mỡ" thì không nên. Mấy hôm nay, mọi người bàn tán về tuyến Metro số 1 ở TP HCM có bảng chỉ dẫn ghi tiếng Việt có dòng chữ "Ke ga", kèm theo tiếng Anh là Platform.
Tìm hiểu chi tiết chút, dường như ke ga là phiên âm từ tiếng Pháp "Quai de la Gare", hay ngắn gọn hơn là Quai de Gare, có nghĩa là sân ga, trạm dừng, trạm chờ cho khách lên xuống tàu.
Vậy thì tại sao vốn tiếng Việt đã sẵn có mà không sử dụng những cụm từ như: sân ga, trạm dừng, trạm chờ... để người Việt nào cũng có thể hiểu một cách nhanh chóng.
Tiếng Việt chịu một số ảnh hưởng từ tiếng Pháp, nhưng không phải từ ngữ Pháp nào cũng nên đưa vào sử dụng thay thế tiếng Việt. Lịch sử thế giới, trong quá trình hình thành và phát triển, ngôn ngữ luôn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là nó có thể bổ sung và pha trộn lẫn nhau.
Bá Trung
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.