Tên sách: Kẻ chăn dắt
Tác giả: Đặng Chương Ngạn.
NXB Văn học và Phương Nam Book.
"Mê cung dưới đáy... Mê cung của cái khổ và cái ác... Dữ dội... Rùng mình... Những đứa trẻ bị ném vào cái đáy khủng khiếp đó mà bắt đầu cuộc sống vô vọng. Mọi thứ bắt đầu từ Không... Những đứa trẻ không có ngày mai. Mặt trời vẫn mọc nhưng không mọc cho các em. Và các em trở thành những nô lệ mới cho bọn chăn dắt"... Nhà văn Nhật Chiêu đã rùng mình viết lên những lời bình như thế khi nói về tác phẩm Kẻ chăn dắt của Đăng Chương Ngạn.
Trong cái mê cung ấy những đứa trẻ bình thường bị cho là vô giá trị. Những đứa trẻ đó sẽ bị những kẻ chăn dắt làm cho tật nguyền. Vì càng tật nguyền thì càng có giá. Giá thuê những em bé đã bị tật nguyền ấy sẽ gấp đôi, gấp ba so với một đứa trẻ bình thường. Ấy là đối với những kẻ chăn dắt. Còn các em. Các em làm gì có sự lựa chọn nào ngoài việc giở đủ mọi chiêu trò để nhận những đồng tiền lẻ bố thí mong sao cho đủ "chỉ tiêu" tránh những trận đòn thừa sống thiếu chết để sống lây lất qua ngày.
Ngột ngạt, u ám, tù túng, phẫn bách... Đặng Chương Ngạn vốc từng nắm bột đen ném thẳng tay vào tấm tuyn xám ngoét. Trong tấm tuyn đó, những gương mặt nhem nhuốc, lấm lem, những cái đầu tóe máu, những ngón tay sưng phồng, tím bầm hay những xương sườn, những bàn chân bị bẻ gãy... của các em hiện lên ám ảnh.
Bạn có thể quay đi, hướng mắt nhìn vào phía khác nhưng cái mê cung ấy vẫn tồn tại dù bạn có nhìn hay không. Và thực tế của cái mê cung ấy sẽ còn khủng khiếp hơn những gì tác giả trình bày.
Tình cờ làm sao khi trong cùng một ngày tôi đã xem phim Những người khốn khổ (Les Misérables) được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Victor Hugo, và đọc xong Kẻ chăn dắt của Đặng Chương Ngạn cùng nói về "những con người khốn khổ" bị tước bỏ quyền được làm người.
Jean Valjean trong Những người khốn khổ đã phải sống trong lo sợ và liên tục chạy trốn trong suốt cuộc đời mình vì tội ăn cắp mẩu bánh mì cho đứa con sắp chết vì đói lả của người chị gái. Con số tù nhân như một thứ xiềng xích bám riết cuộc đời ông... Chỉ có cái chết mới giúp ông thôi chạy trốn.
Và bé Hy. Cái tên gợi lên sự hy vọng liệu có vượt thoát thành công sau chuyến nhảy tàu?
Hai con người, hai số phận bị nhốt trong cùng một "mê cung dưới đáy".
"Nhà con ở thôn Giáng Trên... Con là một đứa bé bị bắt cóc...’. Hóa ra tôi có nhà, tôi có gia đình. Tôi vẫn có cha mẹ ruột. Tôi không phải là đứa trẻ mồ côi!".Đó là những dòng đau đau về số phận của những thân phận lạc loài.
Khép trang sách lại rồi, tôi vẫn không hết băn khoăn. Liệu em có thoát được mê cung, thoát được cái đáy đen này để về thôn Giáng Trên hay không hay Giáng Trên vẫn chỉ là một giấc mơ không có thực?
Tôi vẫn cầu mong sao em sẽ được trở về dù quay về đó chỉ là "linh hồn rách nát, khốn khổ và tuyệt vọng" như nhà văn Nhật Chiêu dự báo. "Cái thôn nhỏ an bình ấy có rất nhiều bức tường đẹp, xây bằng đá ong. Sân nhà ai cũng nở vàng hoa mướp...".
Ngân Hoa