Xuất bản lần đầu tiên năm 1862, tiểu thuyết Những người khốn khổ của nhà văn Pháp Victor Hugo được coi là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của văn học thế giới trong thế kỷ 19. Không lâu sau đó, cuốn sách này được chuyển thể thành nhạc kịch và cũng trở thành một kiệt tác của văn hóa đương đại. Nhạc kịch Les Misérables được dịch ra 21 thứ tiếng, công diễn tại 44 quốc gia và vùng lãnh thổ cho 60 triệu khán giả. Bộ phim điện ảnh Những người khốn khổ của đạo diễn Tom Hooper được xây dựng dựa trên cả tiểu thuyết lẫn vở nhạc kịch.
* Trailer phim "Những người khốn khổ" |
Lấy bối cảnh nước Pháp vào thế kỷ 19, Những người khốn khổ kể về nhiều nhân vật với những mảnh đời khác nhau, được kết nối bởi nhân vật trung tâm – Jean Valjean. Sau 19 năm ngồi tù vì ăn cắp thức ăn cho gia đình đang lâm vào cảnh chết đói, Jean được thả. Tuy nhiên, mang giấy thông hành vàng (loại giấy dành cho những người phạm tội trong quá khứ) nên anh bị xua đuổi ở khắp mọi nơi. Những người khốn khổ dẫn người xem đi theo cuộc đời thăng trầm của Jean Valjean từ khi rời ngục cho tới cuối đời, gặp gỡ với các nhân vật như Javert, Fantine, Marius, Cosette, vợ chồng Thénardier hay Éponine.
Với những ai chưa từng biết tới thể loại nhạc kịch và kỳ vọng khi ra rạp xem Những người khốn khổ sẽ bị xúc động bởi sự "khốn khổ" của các nhân vật theo cách kể như một bộ phim thông thường thì khi phim chiếu tầm 15 đến 30 phút, sẽ rất nhiều người đứng dậy bỏ về. Khác với những bộ phim ca nhạc như Mamma Mia!, High School Musical hay Glee – thể loại phổ biến và dễ xem hơn với đại đa số khán giả, Những người khốn khổ hoàn toàn là nhạc kịch. Từ đầu đến cuối phim, các nhân vật thể hiện cảm xúc, trò chuyện, bộc lộ nỗi niềm đều bằng âm nhạc và thi thoảng mới có một, hai câu thoại.
Câu chuyện phim được dựng từ tiểu thuyết nhưng hình hài không khác gì một vở nhạc kịch đồ sộ được chiếu trên màn ảnh rộng. Khác với nhạc kịch thông thường là khán giả chỉ có thể ngồi một chỗ thưởng thức tác phẩm từ một góc nhìn với bối cảnh là những mô hình dựng trên sân khấu, phiên bản điện ảnh đem tới khung cảnh đồ sộ, hoành tráng với những góc máy, cú lia đáng kinh ngạc. Một điểm đáng khâm phục là đạo diễn Tom Hooper quyết định thu tiếng trực tiếp ngay tại trường quay, đồng nghĩa với việc các diễn viên vừa phải diễn xuất, vừa phải hát thật. Dù ở nội cảnh hay ngoại cảnh trời mưa tầm tã thì vẫn có một dàn nhạc chơi bên cạnh trong từng cảnh quay. Ở những bộ phim ca nhạc hay nhạc kịch khác, diễn viên thường hát trước trong phòng thu, rồi ra hiện trường nhép theo bản ghi âm mở sẵn.
Tom Hooper là một đạo diễn tài năng nhưng cũng rất may mắn. Từ The King’s Speech sang tới Les Misérables, anh đều sở hữu dàn diễn viên tuyệt vời. Những người khốn khổ có rất nhiều nhân vật nhưng ai cũng tạo nên màu sắc riêng và để lại dấu ấn khó quên. Ấn tượng nhất trong phim phải kể đến Anne Hathaway trong vai Fantine. Để vào vai này, người đẹp đã phải giảm hơn 10 kg và hóa trang xấu xí, tàn tạ. Nhân vật Fantine không có nhiều đất diễn nhưng mỗi khi xuất hiện, khán giả đều bị lối diễn xuất tinh tế và giọng hát của Anne chinh phục. Cô xứng đáng nhận được tượng vàng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp với vai Fantine.
Hugh Jackman xuất thân là một diễn viên kịch Broadway nên vai Jean Valjean dường như được "đo ni đóng giầy" cho anh. Đây cũng là nhân vật xuất hiện xuyên suốt chiều dài phim và phải hát nhiều nhất. Có đôi chỗ khán giả sẽ cảm thấy Hugh hơi gồng mình để hòa hợp giữa giọng hát và diễn xuất nhưng về tổng thể, tài tử Australia đã mang tới một Jean Valjean cá tính. Những diễn viên khác như Russell Crowe, Sacha Baron Cohen, Helena Bonham Carter, Eddie Redmayne cũng làm tốt vai trò của mình.
Trong số dàn diễn viên, chỉ có duy nhất Samantha Barks (vai Éponine) là diễn viên nhạc kịch thực thụ và từng đảm nhiệm chính vai này trong vở nhạc kịch Les Misérables. Đất diễn cũng không nhiều nhưng chỉ với trường đoạn cất giọng trong ca khúc On My Own dưới trời mưa, Samantha đủ sức khiến những ai yêu mến câu chuyện Những người khốn khổ phải xúc động. Amanda Seyfried, người vào vai Cosette khi lớn, cũng tỏa sáng trên màn ảnh bằng vẻ đẹp ngây thơ, thiên thần và giọng hát trong trẻo. Những màn ca hát của cô trong Những người khốn khổ thậm chí còn có phần hay hơn hồi ở Mamma Mia.
Khán giả khi xem phim cũng sẽ không thể quên được hai diễn viên nhí Isabelle Allen (vai Cosette lúc nhỏ) và Daniel Huttlestone (vai Gavroche). Vẻ đẹp búp bê mong manh của Isabelle như thể là một Cosette từ tiểu thuyết bước lên màn bạc. Trong khi đó, Daniel vừa mang tới tiếng cười, lại đem đến cả những giọt nước mắt cho người xem khi vào vai cậu bé Gavroche lanh lợi, lém lỉnh sát cánh cùng Marius trong cuộc cách mạng.
Phim Những người khốn khổ sử dụng hầu hết bài hát nổi tiếng trong vở nhạc kịch. Giai điệu quen thuộc của I Dreamed A Dream – ca khúc chủ đề - xuất hiện ba lần trong phim, nhưng để lại nhiều dấu ấn nhất là ở trường đoạn của nhân vật Fantine, khi cô mất đi mọi thứ và ở tận cùng của sự đau khổ. Những bài hát khác như On My Own, Suddenly, Castle on a Cloud... cũng là những mảnh ghép tạo nên bức tranh cảm xúc mãnh liệt trong suốt 157 phút. Âm nhạc lúc hào hùng, bi tráng, dữ dội, lúc lại sâu lắng, dịu dàng, có lúc lại mộng mơ, ngọt ngào thể hiện cho từng giai đoạn và từng mảnh chuyện khác nhau của Những người khốn khổ.
Với những người hâm mộ tiểu thuyết hoặc nhạc kịch thì khi xem bản điện ảnh sẽ khó tránh khỏi sự so sánh và nhận định tại sao có những đoạn lại nhanh quá, diễn viên này chưa thể hiện đúng hình ảnh mà Victor Hugo đã xây dựng hay âm nhạc chưa bằng nhạc kịch... Nhưng điện ảnh là tạo nên những cái mới từ những cái đã trở thành kinh điển. Đạo diễn Tom Hooper đã rất táo bạo khi truyền tải những giá trị đồ sộ của Những người khốn khổ. Có thể phần này chưa được như nhạc kịch, phần kia chưa được như tiểu thuyết nhưng về tổng thể, sự hoành tráng của bối cảnh, sự kết hợp nuột nà giữa diễn xuất và âm nhạc, thêm những góc quay đỉnh cao khi kết hợp lại tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ, đủ để khiến những người yêu điện ảnh, đặc biệt là thể loại phim nhạc kịch phải rơi lệ.
Những người khốn khổ có thể không dễ xem với đại đa số khán giả Việt Nam – những người vẫn còn khá xa lạ với thể loại phim nhạc kịch, nhưng hãy thử một lần thưởng thức nó bằng cả trái tim, để âm nhạc dẫn dắt cảm xúc, ta sẽ nhận lại được những trải nghiệm quý giá mà điện ảnh và những giá trị kinh điển của văn học, nghệ thuật mang lại.
Les Misérables (Những người khốn khổ) khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 11/1.
>> Hình ảnh trong phim "Những người khốn khổ"
Nguyên Minh