![ke-buon-co-vat-tiet-lo-ve-mang-luoi-xe-thit-di-san-cua-is](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/04/08/Anh-1-7123-1460103093.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CuDa_Vl2zKK8dpbMen5zoA)
Abu Mustafa (bịt mặt) cho phóng viên thấy bức tượng thần mặt trời mà IS cướp từ Palmyra. Ảnh: NBC News
Trò chuyện với phóng viên kênh NBC News trong một căn hộ tại một thị trấn miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới Syria, người đàn ông bịt mặt đặt chiếc túi nilon lên bàn. Anh ta mở nó ra và để lộ một món đồ điêu khắc cao chừng 51 cm.
Người đàn ông cho biết đó là bức tượng thần mặt trời, món đồ cuối cùng trong hàng loạt cổ vật mà y thay mặt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) bán ở Thổ Nhĩ Kỳ.
"Họ phá hủy những bức tượng lớn hơn thế này để quay phim", người đàn ông 38 tuổi, tự giới thiệu là Abu Mustafa, nói, ám chỉ những video tuyên truyền ghi lại cảnh các tay súng IS đập phá những bức tượng ở thành cổ Palmyra, Syria. "Dù sao chúng cũng quá lớn nên không thể đưa đi được", Mustafa giải thích trước khi hướng sự chú ý trở lại chiến lợi phẩm nhỏ trong túi nilon.
"Cái họ thực sự quan tâm là những thứ như thế này", Mustafa nói.
Di sản bị tàn phá
Tại cuộc phỏng vấn, Mustafa tiết lộ chi tiết về mạng lưới buôn lậu cổ vật mà y là một mắt xích. Theo lời Mustafa, trong khi quân đội chính phủ Syria đang ăn mừng vì chiến công giành lại Palmyra, di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận, thì mạng lưới trên vẫn tất bật công việc bán lại các báu vật văn hóa cướp được từ ngôi thành cổ.
Phóng viên đưa những hình ảnh chụp món cổ vật mà Mustafa mang đến cho các chuyên gia hàng đầu thẩm định. Dù không thể xác nhận tính nguyên bản của món đồ nhưng hầu hết mọi người đều nhất trí nhiều khả năng nó được lấy từ Palmyra và chế tác vào khoảng thế kỷ thứ nhất hoặc hai sau Công nguyên.
Tổ chức Sáng kiến Di sản Văn hóa thuộc Trường Nghiên cứu phương Đông (ASOR), Mỹ, hôm 4/4 công bố báo cáo kèm hình ảnh vệ tinh cho thấy mức độ bị tàn phá của Palmyra sau 10 tháng IS chiếm đóng.
"Thiệt hại được ghi nhận ở khu Thung lũng Lăng mộ lớn hơn những gì chúng tôi nghĩ ban đầu", giáo sư Amr Al-Azm từ Đại học Shawnee, bang Ohio, cho hay.
Chỉ vào bức ảnh các tháp mộ có tuổi đời hàng thế kỷ, ông Al-Azm khẳng định 12 tháp mộ trong số này "đã tan tành dưới làn bom đạn, hư hại nặng nề hoặc bị phá hủy một phần. Bên cạnh đó, nhiều hiện vật tại một số mộ trong khu vực cũng bị cướp bóc sạch sẽ".
Giấy thông hành buôn lậu
![ke-buon-co-vat-tiet-lo-ve-mang-luoi-xe-thit-di-san-cua-is-1](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/04/08/Anh-2-3594-1460103093.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IMsI8zbwbP3aOGWRDiCWKA)
Giấy thông hành mà IS cấp cho Mustafa, giúp y có thể tự do đi lại ở phần lãnh thổ Syria mà phiến quân chiếm đóng. Ảnh: NBC News
Câu chuyện mà Mustafa kể về cách thức bức tượng điêu khắc thần mặt trời bị lấy cắp cho thấy các thủ lĩnh cấp cao IS đã có thể thiết lập một hệ thống buôn lậu cổ vật vô cùng tinh vi. Bức tượng bị cướp đoạt từ mảnh đất đã bảo vệ nó suốt hàng trăm năm rồi sau đó được tuồn vào chợ đen ở một thị trấn biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mọi thứ bắt đầu nhờ một cú điện thoại từ người anh rể của Mustafa, một trong những thủ lĩnh IS ở Raqqa, Syria.
"Anh ấy gọi tôi và nói 'Ta có một công việc tốt cho chú mày đây'", Mustafa kể. "Tôi bảo anh giải thích rõ hơn nhưng anh ấy chỉ nói 'Hãy đến đây'".
Kể từ cuộc gặp đầu tiên tại Raqqa, Mustafa cho biết y đã đích thân vận chuyển và bán hơn 10 cổ vật. Mustafa cũng cho phóng viên tận mắt thấy giấy thông hành mà IS cấp cho y. Nhờ nó, Mustafa có khả năng đi lại tự do bên trong Syria và đến cả "đất nước vô đạo Thổ Nhĩ Kỳ", theo nội dung ghi trên giấy thông hành.
Mustafa nhấn mạnh việc tạo dựng lòng tin giữa những kẻ buôn lậu là rất khó khăn. Anh rể của y từng vài lần lái xe chở Mustafa đi từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ để giám sát và đảm bảo rằng Mustafa không bỏ trốn cùng những chiến lợi phẩm quý giá. Người anh này yêu cầu Mustafa phải đưa cho ông ta 85% tiền bán cổ vật.
Mustafa cũng tiết lộ khách hàng của y rất đa dạng, từ người Đức, Pháp đến cả người Mỹ. Các cổ vật y bán có giá rất cao, nhiều món lên đến 60.000 USD. Song, người ta không có cách nào để xác minh tính xác thực trong lời nói của Mustafa.
Mustafa cho hay người anh rể nghĩ y đã bán cổ vật quá rẻ, vì thế ông ta giữ lại cả 15% hoa hồng dành cho y. Đây là động cơ khiến Mustafa nói toạc mọi thứ về chợ đen buôn bán cổ vật của IS.
Mustafa đến Raqqa lần cuối để nhận bức tượng điêu khắc thần mặt trời từ người anh rể và quyết định sẽ giữ tất cả tiền nếu bán được nó. Mustafa nói sẽ không bao giờ trở lại Raqqa nữa và tin rằng người anh rể sẽ tha mạng cho y vì mối quan hệ bà con.
Giấy phép cướp cổ vật
Giáo sư Al-Azm tin rằng Mustafa chỉ buôn bán ở phân khúc thấp của thị trường cổ vật bất hợp pháp. Là cộng tác viên của ASOR, Al-Azm đã dành nhiều thời gian để quan sát và nghiên cứu những hoạt động ngầm ở thị trường này.
![ke-buon-co-vat-tiet-lo-ve-mang-luoi-xe-thit-di-san-cua-is-2](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/04/08/Anh-3-6255-1460103094.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IVKwdf5QEE25ElLfsguC0g)
Hai bức tượng khai quật từ Palmyra và đã được đem bán đấu giá ở Raqqa. Ảnh: NBC News
ASOR thành lập một nhóm gồm các nhà khảo cổ trẻ Syria cùng những người tình nguyện mạo hiểm tính mạng để thâm nhập vùng lãnh thổ IS chiếm đóng và ghi chép về các vụ buôn bán cổ vật giữa những đối tượng như Mustafa.
"Đó là lý do vì sao tôi nắm tất cả thông tin cơ bản về phương thức IS vận hành mạng lưới buôn lậu cổ vật", Al-Azm nói.
Al-Azm trưng ra bằng chứng là một tờ giấy phép đồng ý cho một ai đó thực hiện việc cướp bóc tại các địa điểm khảo cổ do chính IS phát hành. Ông cũng cho mọi người xem bức ảnh chưa từng công bố về hai bức tượng có nguồn gốc từ Palmyra vừa bị bán đấu giá ở Raqqa cách đây vài tuần.
Giá khởi điểm cho hai cổ vật này là 150.000 USD. Các cuộc đấu giá như vậy của IS đều duy trì một quy tắc bất di bất dịch là phải thanh toán bằng tiền mặt.
Là một cựu quan chức chuyên quản lý cổ vật của Syria, Al-Azm đang theo dõi chặt chẽ các mạng lưới buôn lậu của IS. Ông nhận thấy đến nay, chỉ một số ít cổ vật mà IS tuồn lậu khỏi Palmyra được buôn bán công khai trên thị trường. Thế nhưng, Mustafa cảnh báo điều này sẽ không kéo dài lâu.
"Một lượng lớn cổ vật, đặc biệt là từ Palmyra, đã được chuyển vào Thổ Nhĩ Kỳ", Mustafa nói. "Vài cổ vật trong số này đã được bán". Dù không nắm rõ liệu số cổ vật trên đã vào châu Âu hay chưa nhưng Mustafa suy đoán "rất có thể người mua vẫn đang tìm cách đưa chúng lên máy bay hay tàu thuyền".
Hồng Vân