Ngày 28/5/2013, sản phụ Vương Diễm Diễm, ở huyện Phú Bình, thành phố Vị Nam, tỉnh Thiểm Tây, bị sinh non. Người nhà vội đưa cô vào bệnh viện chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em của huyện Phú Bình.
Trương Thục Hiệp, Phó chủ nhiệm khoa Sản - Phụ khoa, có quan hệ tốt với gia đình Diễm nên lập tức siêu âm và sắp xếp cho Diễm sinh.
Trong phòng sinh không có người nhà, bác sĩ Hiệp cầm một tờ đơn đến hỏi cô: "Chồng em đâu? Kêu anh ta ký tên mà tìm không thấy".
Diễm vốn nghĩ chồng đang chờ bên ngoài, nghe bác sĩ hỏi vậy thì thấy rất khó hiểu. Sau đó, bác sĩ Hiệp đưa giấy bút cho cô, bảo cô ký thay chồng. Diễm muốn nhìn kỹ xem đơn viết gì nhưng Hiệp không cho thời gian, liên tục thúc giục. Diễm vừa sinh nở, cơ thể suy yếu, Hiệp lại là người quen nên cô cũng không nghi ngờ gì, ký tên lên giấy.
Mãi cho đến khi được đưa vào phòng bệnh, nói muốn gặp con, Diễm mới biết mình đã ký thỏa thuận "xử lý" đứa trẻ, cụ thể là "từ chối chuyển đứa trẻ đến khoa sơ sinh và từ bỏ điều trị".
Theo Hiệp, Diễm vừa sinh đôi, hai đứa trẻ chung một nhau thai và một dây rốn. "Một bé quá nhỏ, sinh ra cũng không sống được; bé nặng cân hơn thì mắc hội chứng truyền máu song thai, không thể chữa khỏi. Hơn nữa, trong quá trình mổ lấy thai, tay chân của đứa trẻ đã bị gãy, nên sau đó đã giao cho người chuyên nghiệp xử lý", Hiệp nói.
Lúc đầu, gia đình Diễm tin lời Hiệp, bà cố của cặp song sinh còn vì quá đau buồn mà lâm bệnh qua đời. Nhưng đến khi nghe tin Hiệp bị nghi bán con của một bệnh nhân khác, gia đình Diễm mới nhận thấy điều bất thường và trình báo cảnh sát.
Qua điều tra, số trẻ em bị Hiệp bắt cóc và mua bán nhiều hơn thế.
Trương Thục Hiệp sinh năm 1958, từ nhỏ đã được khen thông minh, nhanh nhạy, thành tích luôn nằm trong top đầu, được học nhảy lớp. Sau khi tốt nghiệp ngành điều dưỡng, Hiệp được phân công đến bệnh viện thị trấn Lưu Khúc, huyện Phú Bình công tác. Năm 2000, Hiệp được giới thiệu đến bệnh viện chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, dần thăng chức làm phó chủ nhiệm khoa Sản - Phụ khoa.
Những năm qua, bác sĩ Hiệp đã tích lũy được một mạng lưới quan hệ và uy tín nhất định, đồng thời trở thành "tên tuổi lớn" của khoa Sản - Phụ khoa ở huyện Phú Bình, được nhiều bệnh nhân tín nhiệm tìm đến. Bề ngoài, Hiệp tỏ ra là bác sĩ nhân ái, hết lòng giúp đỡ bệnh nhân.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài, các đồng nghiệp tại bệnh viện nhận ra bác sĩ Hiệp không tốt đẹp như họ tưởng. Nhiều bệnh nhân tìm đến nhưng Hiệp chỉ chọn chữa trị cho những ca mà mình nắm chắc để không bị ảnh hưởng danh tiếng.
Năm 2009, một sản phụ bị xuất huyết nhiều đến xin Hiệp giúp đỡ. Nhận được lời mời tham gia điều trị, Hiệp viện cớ đang không có mặt ở địa phương để từ chối. Nhưng bệnh viện và sản phụ đều tin tưởng vào y thuật của Hiệp, hứa cử xe cấp cứu đến đón cô ta về, không ngờ rằng Hiệp cúp máy, tắt điện thoại.
Bệnh nhân cuối cùng cũng thoát khỏi nguy hiểm, nhưng hành vi của Hiệp quá tệ nên bệnh viện lập tức cách chức cô ta vào ngày hôm sau, đình chỉ công tác nửa năm. Sau đó, thấy Hiệp có thái độ ăn năn và không phạm lỗi nào khác, bệnh viện phục chức cho cô ta.
Đồng nghiệp cảm thấy y đức của Hiệp có vấn đề, các bệnh nhân cũng nhận thấy nữ bác sĩ có vẻ ngoài hiền lành này rất thích tiền. Bệnh nhân quen thân hay không, Hiệp đều nhận tiền sau khi đỡ đẻ, không bao giờ khách sáo. Nếu người nhà bệnh nhân không chuẩn bị phong bì, cô ta sẽ úp mở nhắc nhở đến khi nhận được mới thôi.
Có chức vị cao, thường xuyên nhận phong bì, Hiệp tích lũy được không ít tiền những năm qua. Tuy nhiên, bản chất "hám tiền" khiến Hiệp không dừng lại ở đó mà chọn con đường buôn bán trẻ em để kiếm được càng nhiều hơn.
Năm 2008, một sản phụ ở tỉnh Sơn Tây chỉ cho Hiệp con đường kiếm tiền nhanh mà bất chấp hậu quả. Đối phương đề nghị Hiệp không nên đợi đến khi có sản phụ không cần con, hãy tận dụng "lợi thế về nghề nghiệp" để biến các trẻ sơ sinh bình thường thành đứa con bị từ bỏ, mang đi mua bán.
Nghe xong, Hiệp không hề do dự mà cảm thấy phương pháp này rất khả thi. Vì vậy, khi đỡ đẻ, cô ta thường giở trò trên báo cáo, khiến phụ huynh tưởng con mắc bệnh hiểm nghèo, tìm mọi cách ngăn không cho phụ huynh gặp con rồi mang trẻ đi bán dưới danh nghĩa "xử lý".
Trong hai vụ đã được xác minh, Hiệp nhận được phí lót tay là 21.600 nhân dân tệ và 30.000 nhân dân tệ.
Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, sau vài năm trót lọt, tội ác của Hiệp cuối cùng cũng bị phát hiện.
Ngày 15/7/2013, sản phụ Đổng San San sắp sinh, nghe danh tiếng của bác sĩ Hiệp nên tìm đến nhờ Hiệp giúp đỡ đẻ.
Thời gian San San ở trong phòng sinh, chồng cô là Lai Quốc Phong luôn túc trực ở cửa, nhưng khi đứa trẻ chào đời, Hiệp nói với họ: "Đứa bé mắc bệnh truyền nhiễm bẩm sinh và khuyết tật bẩm sinh. Vì San San bị viêm gan B mạn tính và bệnh giang mai, con của cô sinh ra không được khỏe mạnh".
Hai vợ chồng tin lời bác sĩ, vô cùng đau đớn. Hiệp không cho họ nhìn con, hai người cũng không phản đối, còn chi 100 nhân dân tệ nhờ Hiệp giải quyết giúp.
Đến khi San San xuất viện, sức khỏe gần khôi phục, Phong đưa vợ đến bệnh viện khác để kiểm tra nhưng được thông báo vợ hoàn toàn khỏe mạnh.
Thấy khó hiểu, Phong gọi điện cho Hiệp hỏi tung tích con, cô ta nói đứa trẻ đã được chôn cất. Khi Phong gặng hỏi, đòi xem thi thể, cô ta ấp úng không nói được gì. Phong báo cảnh sát.
Sau khi Hiệp bị cảnh sát huyện Phú Bình bắt, ngày càng nhiều nạn nhân tố giác. Nhà chức trách nhận được tổng cộng 55 đơn trình báo từ quần chúng, trong đó có 26 vụ liên quan Hiệp. 5 vụ trong đó đã được lập hồ sơ điều tra. Nhiều người từ địa phương khác cũng tìm đến để hỏi tình hình.
Sau khi bị bắt, Hiệp dường như đoán chắc sẽ bị kết án tử hình nên không hợp tác điều tra, sẵn sàng chịu chết một mình. Việc cô ta không chịu khai ra đồng phạm khiến tất cả người trong bệnh viện đều bị hoài nghi, ai nấy thấp thỏm lo lắng. Về tung tích của những đứa trẻ, Hiệp cũng úp úp mở mở.
Cảnh sát điều tra ra từ tháng 11/2011 đến tháng 7/2013, Hiệp nhiều lần lợi dụng chức vụ để mang con của bệnh nhân đi bán cho người khác, thực hiện 6 vụ với 7 đứa trẻ. Nhờ cảnh sát, 6 em nhỏ đã được về với bố mẹ, một em không may chết yểu.
Một cuộc điều tra của Sở Y tế tỉnh Thiểm Tây cho thấy Hiệp đã chỉ đạo ba nhân viên phòng sản giả mạo các tài liệu y tế, nhưng hai người trong đó từ chối và người còn lại không ký vào giấy tờ sau khi sửa đổi. Không ai trong số ba người này báo cáo lên bệnh viện sau vụ việc.
Ngày 14/1/2014, Hiệp bị kết án tử hình, cho hoãn thi hành 2 năm.
Tuệ Anh (Theo Toutiao, Beijjing Times)