12/5 kỷ niệm 113 năm ngày sinh huyền thoại điện ảnh Katharine Hepburn. Viện Phim Mỹ từng vinh danh bà là diễn viên vĩ đại nhất thời hoàng kim Hollywood. Nhắc đến Hepburn, khán giả nhớ đến nét đặc trưng như gò má cao, tóc nâu vàng, khuôn mặt thông minh.
Trong 96 năm sống, hơn 60 năm sự nghiệp, bà ghi dấu với hình ảnh độc lập, cá tính, được coi là biểu tượng của phụ nữ thế kỷ 20. Tính kiên định, độc lập của bà hình thành từ nhỏ, thừa hưởng từ bố mẹ - đều là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Minh tinh từng cho biết gia đình là nền tảng để bà sau này có chỗ đứng vững chắc tại Hollywood, nơi vốn là sân chơi của những người đàn ông quyền lực.
Thời thơ ấu, minh tinh theo phong cách tomboy, thường để tóc ngắn và tự gọi bản thân là Jimmy. Bà được cha mẹ rèn luyện bơi lội, chạy bộ, vật, golf hay quần vợt, tắm nước lạnh để tăng sức chịu đựng của cơ thể. Katharine từng vào bán kết giải golf cho nữ toàn bang Connecticut. "Thuốc càng đắng càng hiệu quả" là phương châm sống của diễn viên.
Năm 1921, người anh trai tự tử làm thay đổi tính cách của cô bé 13 tuổi. Katharine trở nên khó gần, luôn buồn phiền và lo lắng, thậm chí bỏ học và xin cha mẹ tìm gia sư riêng. Đến tuổi trưởng thành, diễn viên sống nổi loạn và xa lánh bạn bè.
Chính tính cách nổi loạn tạo nên diễn viên Katharine nổi danh thế giới. Tại đại học, Katharine hứng thú với các lớp kịch và quyết định theo đuổi đam mê. Sau khi tốt nghiệp, Katharine tìm đến nhà sản xuất nổi tiếng Edwin H. Knop xin cơ hội diễn xuất. Ấn tượng với sự táo bạo của cô gái trẻ, Edwin giao một số vai phụ trong các vở kịch của ông. Tuy nhiên, giọng nói của Katharine khi đó bị chê chói tai, khó nghe. Cô quyết định rời đoàn tới New York để luyện thanh.
Sự nghiệp gián đoạn năm 1928 khi diễn viên cưới bạn học cũ - Ludlow Ogden Smith. Sau một năm, vì nhớ sân khấu, bà tái xuất và thành công với vai chính trong vở The Warrior's Husband tại nhà hát ở Connecticut, mở đường đến sân khấu Broadway, rồi lọt "mắt xanh" của một số nhà sản xuất Hollywood. Đạo diễn George Cukor đề nghị Katharine mức lương 1.500 USD mỗi tuần cho bộ phim A Bill of Divorcement - tác phẩm giúp bà được xếp vào hàng triển vọng, theo NY Times.
Đến bộ phim thứ ba - Morning Glory (1933), Katharine giành Oscar đầu tiên. Sự nghiệp bà thăng hoa với Little Women (1933), Alice Adams (1935)..., trở thành tên tuổi hàng đầu của kinh đô điện ảnh. Các vai diễn của Katharine thường xoay quanh cuộc chiến giới tính, nữ quyền trước những áp đặt của xã hội.
Không chỉ trên phim, tính cách mạnh của minh tinh thể hiện ngay trên phim trường. Một lần, đạo diễn giấu quần vải của bà vì trang phục quá nam tính, yêu cầu mặc váy. Katharine phản đối, mặc nội y đi khắp trường quay. Bà cũng không thích bị truyền thông soi mói, thường trả lời báo chí với thái độ hằn học, thậm chí từ chối ký tặng người hâm mộ. Giữa thập niên 1930, hình ảnh của Katharine xấu đi trong lòng công chúng, khiến một số dự án thất bại, thua lỗ. Một số tờ báo còn gọi bà là "thuốc độc phòng vé".
Không nản lòng, minh tinh lên kế hoạch lấy lại vinh quang. Khi chuyển thể vở kịch thành công The Philadelphia Story lên phim năm 1940, Katharine tự chọn đạo diễn, nam chính đóng cùng. Trong phim, nhân vật của bà bị đánh, hành hạ một cách hài hước. Đó là cách bà khiến công chúng hả hê, cảm thấy như được trút giận, từ đó dần đồng cảm với tính cách ngoài đời của bà. Nhiều nhà phê bình đánh giá vai diễn giúp Katharine xây dựng lại hình ảnh, xuất hiện nhiều hơn.
Ở tuổi tứ tuần, Katharine tiếp tục đối mặt thử thách với công nghệ phim màu, cạnh tranh nhiều diễn viên trẻ đẹp mới nổi như Ingrid Bergman, Audrey Hepburn. Minh tinh chọn lối đi riêng với các vở kịch Shakespeare và phim chuyển thể từ tác phẩm văn học. Ba giải Oscar trong nửa cuối sự nghiệp với Guess Who's Coming to Dinner (1967), The Lion in Winter (1968) và On Golden Pond (1981) chứng tỏ sự cố gắng bền bỉ của nữ diễn viên.
Giữ kỷ lục tượng vàng Oscar, Katharine chưa một lần đến nhận giải. Bà từng cho biết: "Giải thưởng không mang ý nghĩa gì với tôi. Các tác phẩm ưng ý mới là phần thưởng lớn nhất". Bộ phim cuối cùng bà tham gia năm 1994 - One Christmas - nhận một đề cử SAG. Sau vài năm bệnh tật, Katharine Hepburn qua đời năm 2003, thọ 96 tuổi. Tổng thống Mỹ George Bush khi đó gọi nữ diễn viên là "Di sản nghệ thuật của quốc gia".
Đạt Phan