Karl Lagerfeld mất sau một tuần bệnh nặng hôm 19/2. Từ tổng biên tập Vogue Mỹ Anna Wintour, những ngôi sao khắp năm châu đến các tín đồ thời trang đều bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho ông.
Trong sự nghiệp gần 65 năm, Karl có sức ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp thời trang với các dòng quần áo mang tính cách mạng, đưa tên tuổi của hàng loạt người mẫu lên tầm cao mới. New York Times đánh giá với óc sáng tạo cùng sản phẩm của mình, Karl đã làm thay đổi thế giới thời trang.
Sau khi Coco Chanel qua đời năm 1971, Karl vực dậy "con tàu" Chanel trước nguy cơ phá sản. Từ một thương hiệu bị khách hàng quay lưng, Chanel vươn lên trở thành đối thủ đáng gờm của Louis Vuitton, Versace, khiến giới Hollywood đổ xô dùng đồ của hãng.
Karl thẳng tay phá bỏ nét mộng mơ, bay bổng trong các thiết kế của Coco Chanel, thay bằng những đường cải biên hiện đại, phá cách, phù hợp với thị hiếu. Ngoài việc giữ lại một số yếu tố mang tính biểu tượng, ông gần như đi ngược lại những triết lý thiết kế ban đầu của nhà sáng lập. Ông kết hợp tweed vào phong cách grunge, đặt logo hai chữ C lồng vào nhau lên các món phụ kiện, khiến chúng trở nên hào nhoáng.
Thiết kế của Chanel dưới trướng Karl Lagerfeld luôn phảng phất chất quái vừa đủ, ăn ý với vẻ khỏe khoắn nhưng không kém phần thanh lịch. Áo khoác của Karl giúp người mặc được tôn dáng, hiện đại hơn so với một chiếc áo khoác Chanel nguyên bản. Những gì ông làm, Coco Chanel không thích. Karl biết điều đó nhưng vẫn thản nhiên đối mặt với các lời chỉ trích khi quyết định tái cấu trúc nhà mốt sau hơn 30 năm phát triển. Thực tế chứng minh Karl đã đúng. Nhờ Karl, Chanel tiếp tục giữ vững vị trí trong tốp đầu làng thời trang.
Triết lý "thời trang là sự tái tạo" là món quà tuyệt vời nhất của Karl dành cho làng mốt, theo Vogue. Suốt sự nghiệp kéo dài hơn sáu thập kỷ, Karl đã thay đổi cách cảm nhận thời trang bằng cách tái sử dụng những thứ có sẵn. Mục tiêu của ông không chỉ tạo ra những bộ sưu tập cho mọi người mặc, mà còn đem những món đồ cũ ứng dụng vào thế giới hiện đại.
"Bây giờ, nếu bạn nhìn vào tủ quần áo của mình, chắc chắn bạn có thể tìm thấy một phần nhỏ trong lịch sử đồ sộ mà Karl Lagerfeld để lại. Từng chi tiết nhỏ nhất trên hoa văn trang trí, hay kiểu cắt may sắc, gọn, kiểu áo khoác cách tân giới văn phòng mặc hàng ngày, đôi giày hay chiếc túi xách vẫn thường bị làm giả từ năm này qua năm khác. Karl ở trong đó", Vogue viết.
Nhờ Karl, thời trang cao cấp đến với số đông. Khi làm việc với Fendi, ông tạo ra các thiết kế độc đáo từ lông thỏ và sóc - chưa từng được sử dụng trước đây. Ông cũng kết hợp lông thú - thường được mặc trong những dịp trang trọng - vào trang phục hàng ngày. Năm 2004, cú bắt tay của Karl với H&M đánh dấu một chuỗi dài thành công của trào lưu hợp tác giữa các nhà thiết kế lớn và nhãn hiệu bình dân. Bộ sưu tập được bán sạch chỉ trong vài giờ. Kế đó, ông bắt tay với nhãn hiệu Macy’s, mở cửa cho nhiều nhà thiết kế khác tiếp bước.
Không chỉ sáng tạo trong các bộ sưu tập, Karl còn là phù thủy của các sàn catwalk. Khán giả đến xem show muốn xem "ông già tóc bạc" dựng sân khấu thế nào. Mỗi chương trình, người xem được chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Karl tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời khi dựng sàn catwalk trong lòng bảo tàng Grand Palais ở Paris - khi là một bãi biển đầy nắng gió của mùa Xuân Hè, lúc hóa thành con phố Paris sôi động với những cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng giới, khi mang dáng dấp đế chế La Mã, lúc là tháp Eiffel... Thậm chí, show của ông còn dựng nên trạm không gian vũ trụ mang mô hình tên lửa tốn 10 triệu USD và mất 12 tháng lên kế hoạch.
Tuy nhiên, sân khấu Chanel không đơn thuần đẹp theo kiểu hoành tráng. Mỗi mùa là một câu chuyện giữa thời trang, nghệ thuật và cuộc sống mà Karl lồng ghép. Điển hình ở mùa mốt Xuân Hè 2018, Karl dựng thác nước hùng vĩ để nói về tầm quan trọng của thiên nhiên, câu chuyện con người chống chọi với bệnh tật.
Karl là nhà thiết kế sớm nghĩ ra cách định hình thương hiệu cá nhân lên sản phẩm. Từ năm 1975, Karl Lagerfeld làm nên lịch sử khi cho ra đời một mẫu nước hoa mang tên chính ông khi hợp tác với Chloe. Mẫu nước hoa lãng mạn và nữ tính ấy ngay lập tức tạo nên cơn sốt, làm tiền đề cho nhiều mẫu khác mang tên các nhà thiết kế. Giới chuyên môn khi đó nhận định chính Karl tạo nên vị thế mới cho sản phẩm nước hoa.
Khi đã trở thành biểu tượng kinh điển của làng mốt, năm 2010 và 2011 Karl Lagerfeld tự đưa hình ảnh mình lên chai nước ngọt. Hai chiến dịch quảng cáo này do chính ông lên ý tưởng và thực hiện. Năm 2014, ông còn khẳng định tài năng thiết kế kiến trúc bằng dự án xây dựng hòn đảo thời trang đầu tiên trên thế giới mang tên Isla Moda, cách bờ biển Dubai 20 km. Ở đó, ông thiết kế những ngôi nhà mô phỏng cung điện Ấn Độ.
Trong cuộc đời, Karl Lagerfeld nhận được nhiều giải thưởng lớn: Thành tựu trọn đời của Hội đồng nhà thiết kế thời trang Mỹ năm 2002, Giải thưởng vinh dự nhất của Pháp - Legion d'Honneur - từ Tổng thống Nicolas Sarkozy năm 2010, Thành tựu nổi bật của Hội đồng thời trang Anh năm 2015. Năm 2017, Karl Lagerfeld được trao tặng huân chương cao quý của Pháp - "La Médaille Grand Vermeil de la Ville de Paris". Khi ấy, thị trưởng Anne Hidalgo nói: "Anh là một trong những người tuyệt vời nhất mà tôi từng biết, một người đã trở thành biểu tượng đại chúng. Phải nói rằng cụm từ ấn tượng vẫn còn quá nhẹ nhàng. Sức tưởng tượng của Karl quả là không giới hạn, còn năng lực của anh đưa chúng ta tới một vũ trụ khác".
Trước khi qua đời, Karl vẫn luôn giữ được "ngọn lửa" thời trang bên mình. Dù bệnh nặng, ông vẫn trực tiếp chỉ đạo, giám sát những khâu cuối cùng cho bộ sưu tập sắp ra mắt trong tháng này. Niềm đam mê và sự tận tâm, bền bỉ với nghề của Karl truyền cảm hứng cho nhiều đồng nghiệp, trong đó có nhà thiết kế lẫy lừng như Ralph Lauren, Pierpaolo Piccioli, Jeremy Scott, Donatella Versace...