Sau người sáng lập Coco Chanel, Karl Lagerfeld là "linh hồn thứ hai" của thương hiệu Chanel. Wallstreet nhận định trong 36 năm là giám đốc sáng tạo của nhà mốt, Lagerfeld vừa kế tục phong cách của Chanel, vừa mang thêm các yếu tố mới mẻ, in đậm dấu ấn cá nhân của ông. Nhà thiết kế qua đời ngày 19/2 tại Paris (Pháp) - nơi ông thực hiện giấc mơ cuộc đời. Mất Karl Lagerfeld, ngành thời trang mất đi một tên tuổi lớn, thế giới mất đi nhà thiết kế thiên tài, thú vị mà cũng nhiều tranh cãi.
Cậu bé người Đức khát khao khác biệt
Karl Lagerfeld sinh ngày 10/9/1933 tại ngôi làng ở Đức, trong một gia đình khá giả. Cha ông - Otto Lagerfeld - kinh doanh sữa đặc còn mẹ bán nội y. Trong phim tài tiệu Karl Lagerfeld: A Lonely King (Karl Lagerfeld: Ông hoàng cô độc), Lagerfeld nói vì lớn lên ở làng quê, từ nhỏ ông mơ về những thành phố phù hoa, đặc biệt là Pháp. Ông đến Pháp vì cảm thấy nơi này gần gũi với quan điểm thẩm mỹ của mình.
Nhà thiết kế Karl Lagerfeld thời trẻ. |
Năm 2015, tiểu thuyết gia Andrew O’Hagan (Scotland) tới làm khách ở căn hộ của Lagerfeld ở Paris. Lagerfeld nói với nhà văn, từ khi còn bé, ông đã mường tượng ra thế giới mình sẽ sống khi trưởng thành. Thuở thiếu thời, điều duy nhất Karl Lagerfeld suy nghĩ là "làm thế nào để khác biệt". Đam mê thiết kế và thời trang từ nhỏ, Lagerfeld thường cắt các bức ảnh mình thích trên tạp chí để lưu giữ. Ông cũng thường cảm thấy các bạn học của mình ăn mặc đơn điệu, gu thẩm mỹ kém. Sau khi dọn đến Paris, năm 1954, trong một cuộc thi thiết kế thời trang mà hai nhà thiết kế Pháp Pierre Balmain và Hubert de Givenchy làm giám khảo, Karl Lagerfeld - khi đó 21 tuổi - thắng trong mảng thiết kế áo khoác. Năm 1955, ông trở thành trợ lý của Balmain.
Sau ba năm làm việc cho Balmain, Lagerfeld chuyển sang làm cho Jean Patou. Bộ sưu tập đầu tiên của ông không được đánh giá cao. Mất vài năm ở đây, ông mới dần được truyền thông khen ngợi. Tiếp đó, Lagerfeld rời Jean Patou, làm nhà thiết kế tự do, sáng tạo cho nhiều nhà mốt trong đó có Tiziano và Chloé. Ban đầu, Lagerfeld chỉ thiết kế một vài mẫu cho Chloé trong mỗi mùa. Dần dần, ông đảm nhiệm toàn bộ thiết kế trong các bộ sưu tập. Váy áo Xuân Hè 1973 là bộ sưu tập kinh điển, nổi tiếng nhất mà ông thực hiện cho Chloé.
Karl Lagerfeld ở tuổi trung niên. |
Lagerfeld còn dồn tâm huyết cho nhà mốt Fendi, ký hợp đồng làm việc trọn đời với thương hiệu này. Từ giữa thập niên 1970, Lagerfeld đã là tên tuổi hiển hách của làng thời trang thế giới.
Người mạo hiểm cứu rỗi Chanel
Lagerfeld thực sự chinh phục toàn thế giới, được mệnh danh "Bố già thời trang" kể từ khi làm nhà thiết kế chính cho Chanel năm 49 tuổi, đầu thập niên 1980. Lúc đó, nhà sáng lập thương hiệu Coco Chanel qua đời được 12 năm. Thương hiệu gần như không còn sức sống. Chủ tịch tập đoàn cấp bách tìm kiếm nhà thiết kế có thể giúp Chanel giành lại hào quang.
Lagerfeld nhận được lời mời khi đang làm cho Chloé. Lúc bấy giờ, mọi người đều can ngăn ông đến với Chanel. "Ai cũng bảo tôi bỏ qua lời mời, thương hiệu đó đã chết, không thể cứu vãn", Lagerfeld từng nói với New York Times. Song, với ông, đó là một thử thách.
Lúc mới đến Chanel, Lagerfeld không được nhân viên ở đây yêu mến. Họ "bằng mặt mà không bằng lòng" với nhà thiết kế. Ở đây, Lagerfeld đưa ra các quyết định sống còn, làm sống dậy nhà mốt già cỗi, không còn sức sống. Một trong các di sản của Karl Lagerfeld chính là việc ông chưa bao giờ tạo ra một triết lý thời trang dễ nhận biết để căn cứ vào đó mà thiết kế. Tuy nhiên, việc không sở hữu một phong cách quen thuộc nào lại giúp ông linh động và dễ dàng trong việc tái tạo hình ảnh của Chanel trở nên hiện đại hơn qua các thời kỳ. Đến nay, Chanel giữ vững vị trí thương hiệu xa xỉ thành công bậc nhất thế giới. Bí quyết của giám đốc sáng tạo là nỗ lực hơn người. Bên cạnh kế thừa truyền thống, Lagerfeld tìm tòi các yếu tố mới mẻ. Lagerfeld gọi bản thân là một cỗ máy thời trang ở Chanel. Để đi lên, ông bắt buộc không ngừng thiết kế.
* Những sàn diễn gây kinh ngạc của Chanel do Karl Lagerfeld dàn dựng
Ngoài sáng tạo trang phục, phụ kiện, trang sức, Lagerfeld còn cho thấy tài hoa trong nhiều lĩnh vực, đưa ông trở thành biểu tượng văn hóa đặc biệt của thế giới. Ông giỏi chụp ảnh, có thể tự thực hiện các bộ ảnh quảng bá thương hiệu. Karl Lagerfeld còn là họa sĩ. Ngoài ra Lagerfeld làm phim ngắn, mở hiệu sách, thành lập nhà xuất bản chuyên về sách thời trang, nhiếp ảnh. Không chỉ cống hiến cho Chanel, Fendi tới cuối đời, Karl Lagerfeld còn có thương hiệu thời trang mang tên mình.
Đảm nhiệm nhiều vai trò, vị trí, Karl Lagerfeld luôn trong trạng thái công việc cường độ cao. Nhưng ông tìm được niềm vui trong công việc, được tự do sáng tạo. Lagerfeld cho rằng cường độ làm việc cao chính là bí quyết duy trì sức khỏe.
Tình yêu đồng tính và sở thích cô độc
Karl Lagerfeld trải qua những chuyện tình trở thành huyền thoại trong làng mốt. Khi mới đến Pháp, ông và Yves Saint Laurent là bạn bè. Thập niên 1970, Yves Saint Larent và Lagerfeld đều để mắt tới chàng quý tộc Jacques de Bascher. Lagerfeld từng nói yêu sâu đậm người đàn ông này. Đó cũng là người đàn ông Pháp lịch thiệp nhất mà ông từng thấy. Nhưng Jacques de Bascher chọn Yves Saint Larent. Đôi bạn từ đó không chung đường. Họ trở thành địch thủ của nhau cả trong tình trường lẫn thương trường.
Theo Elle, sau này, Karl Lagerfeld vướng nhiều tin đồn tình ái. Người tình tin đồn của ông đều là các chàng trai ngoại hình đẹp, trong đó có người mẫu nam Brad Kroenig, Baptiste Giabiconi. Lagerfeld và Giabiconi từng bị đồn kết hôn. Nam người mẫu còn xăm ngày gặp Lagerfeld ở vị trí gần trái tim.
Đời sống tình cảm phong phú song nhiều lần, nhà thiết kế nói phần lớn thời gian, ông thích cô độc. Có nhiều bất động sản trên khắp thế giới song ông hầu như chỉ sống trong căn hộ ở Paris, cùng cô mèo cưng Choupette, một trợ lý cùng giúp việc, đầu bếp.
Lagerfeld luôn xuất hiện với vẻ chỉn chu. Ông trung thành với vest đen, đeo găng tay. Nhà văn Andrew O’Hagan từng kể khi gặp Karl Lagerfeld, ông nhận ra nhà thiết kế đánh một lớp phấn nhẹ. "Ánh mắt ông sáng ngời, nhưng chỉ những ai ông cho phép mới được nhìn thấy ánh mắt đó", O’Hagan viết. Lagerfeld luôn đeo kính râm để tránh bị người khác đọc được cảm xúc, suy nghĩ. Nhà thiết kế nói: "Tôi thích quan sát người khác nhưng không thích bị quan sát".
Karl Lagerfeld luôn xuất hiện với trang phục màu sẫm, kính râm và đeo găng tay. Ảnh: NBC. |
Karl Lagerfeld cũng là nhân vật có nhiều phát ngôn gây tranh cãi, trong đó có những câu nói thể hiện sự kỳ thị người béo. Ông khẳng định người thừa cân không thể có chỗ đứng trong làng mốt. Lagerfeld còn gây xôn xao khi chê ca sĩ Adele quá mập. Năm 2013, ông nói: "Mọi người phải làm việc, đóng thuế để chữa bệnh cho những người béo". Một tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ đã kiện Karl Lagerfeld. Nhà thiết kế thua kiện nhưng kiên quyết giữ quan điểm của mình.
Năm ngoái, Karl Lagerfeld nhận nhiều chỉ trích khi bày tỏ chán nản vì phong trào chống quấy rối tình dục. Ông cho rằng các người mẫu liên tục tố cáo mà không tập trung chuyên môn, ảnh hưởng xấu tới làng mốt. "Tôi đọc được ở đâu đó rằng bây giờ khi làm việc, bạn phải hỏi người mẫu xem cô ấy có cảm thấy thoải mái với tư thế tạo dáng này không. Nếu vậy khó mà sáng tạo được. Nếu bạn không muốn quần lót của mình bị kéo xuống thì đừng làm người mẫu nữa", Karl Lagerfeld nói.
"Anh có vui không?"
Andrew O’Hagan hỏi Karl Lagerfeld trong buổi gặp gỡ ở căn hộ của nhà thiết kế. "Khi bạn tự hỏi mình câu đó, nhất định là bạn không vui", Lagerfeld đáp. "Tôi chưa từng hỏi mình câu đó, có nghĩa là tôi vui vẻ", Karl Lagerfeld nói.