Chiếc ôtô đầu tiên được chế tạo từ 136 năm trước. Lịch sử của ôtô khá thú vị, bởi một loạt các phát minh đã góp phần không thể thiếu trong việc tạo nên công nghệ cần thiết nhằm chế tạo ra chiếc ôtô đầu tiên hoạt động được. Nhiều nhà sáng chế đã đưa ra các bản thiết kế ôtô của riêng họ trong thế kỷ 18 và 19, tuy nhiên, các nhà phân tích đều nhất trí cho rằng mẫu ôtô của Karl Benz năm 1885 là chiếc ôtô ra đời sớm nhất.
Karl Benz sinh năm 1844 ở nước Đức, khi ấy vẫn chưa thống nhất. Niềm say mê đối với cơ khí của Karl có lẽ được truyền qua nhiều thế hệ, bởi cha ông từng là người điều khiển đầu máy xe lửa. Dù vậy, Karl không thể nhớ được gì về cha, bởi cha ông đã mất khi Karl mới chỉ hai tuổi. Nuôi con một mình trong cảnh nghèo khó, mẹ ông sớm nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục và thôi thúc cậu bé Karl nỗ lực học hành. Karl học rất giỏi, đặc biệt là ở các môn liên quan đến toán, khoa học và kỹ thuật. Mặc dù mục đích chính của cậu thanh niên Karl khi ấy là trở thành thợ rèn, cậu vẫn quyết định theo học chuyên ngành kỹ sư đầu máy xe lửa, nhằm tỏ lòng kính trọng đối với người cha quá cố.

Karl Benz thời sinh viên, khoảng năm 1860. Ảnh: Daimler AG
Thời sinh viên, Karl thích dành thời gian cho xe đạp, loại phương tiện phổ biến khi ấy. Dường như đó là khi ông lần đầu tiên hình dung ra ý tưởng về một cỗ xe không cần ngựa kéo sử dụng động cơ đốt trong. Năm 1864, Benz tốt nghiệp và bắt đầu hành trình tìm việc. Nhưng công cuộc tìm kiếm của ông có phần lận đận. Karl làm việc ở chỗ này chỗ kia, khi thì ở nhà máy sản xuất cân, khi thì ở công ty xây dựng cầu đường và cả các công ty kỹ thuật khác, mỗi chỗ khoảng một năm. Chàng trai trẻ có lẽ không muốn sống kiếp làm thuê và cuối cùng quyết định tự mình làm chủ.
Năm 1871, Karl và người bạn cũ August Ritter thành lập Xưởng cơ khí và xưởng đúc sắt Mannheim, sau đó đổi tên thành Nhà máy cơ khí sản xuất tấm kim loại. Thành công của nhà máy này đến từ hai phía. Có thời điểm, việc kinh doanh không thuận lợi, nhà máy có khả năng đã phá sản nếu không có sự trợ giúp tài chính từ vợ tương lai của Karl, Bertha.
Tuy nhiên, môi trường truyền cảm hứng sáng tạo này cũng cho phép Karl nảy ra vô số các ý tưởng mới, mà sau này ông được cấp bằng sáng chế cho nhiều bộ phận xuất hiện trên nhiều ôtô ngày nay. Bu-gi, bộ chế hoà khí, két nước làm mát, khớp ly hợp, cần số, và cuối cùng là bộ phận quan trọng nhất, quyết định sự tiến hoá không chỉ của ôtô mà còn là của cả ngành hàng không – bằng sáng chế cho động cơ đốt trong ông nhận được ngay trước Giáng sinh năm 1879. Khi ấy, thế giới không chỉ nghe thấy giọng ca của đội hợp xướng trong nhà thờ kỷ niệm ngày Chúa giáng sinh, mà còn nghe thấy cả tiếng rầm rầm khi động cơ hai thì của Benz nổ máy.
Chiếc ôtô đầu tiên
Lợi nhuận từ sáng chế động cơ đốt trong cho phép Karl cống hiến hết mình cho giấc mơ thuở xưa là thiết kế cỗ xe không ngựa kéo. Hơn sáu năm trôi qua kể từ ngày động cơ đốt trong ra đời, kỷ nguyên ôtô đã hé rạng khi Karl Benz lăn bánh chiếc ôtô đầu tiên của mình ra khỏi xưởng máy, chiếc xe mang tên Benz Patent-Motorwagen.
Cỗ xe sử dụng động cơ chạy bằng xăng, khung gầm và động cơ hợp thành một khối. Xe có ba bánh, với hai bánh sau lớn hơn và nặng hơn bánh trước. Thiết kế này giúp ôtô di chuyển tốt hơn trong điều kiện địa hình đồi núi. Điểm đặc trưng chủ yếu của cỗ xe hai chỗ ngồi này là động cơ nhỏ gọn, tốc độ cao, xi-lanh đơn, bốn thì, được đặt nằm ngang ở phía sau, nặng khoảng 100 kg, đây là một trong những động cơ hiệu suất cao của thế kỷ 19, sản sinh công suất 0,75 mã lực. Chi tiết xe bao gồm một van nạp tự động, một van xả được điểu chỉnh, cuộn dây đánh lửa điện cao áp đi kèm bugi, và hệ thống làm mát bay hơi bằng xi phông nhiệt hoặc làm mát bằng nước.

Patent Motor Car năm 1887, phiên bản nâng cấp của chiếc ôtô đầu tiên năm 1886. Karl Benz là người cầm lái, bên cạnh ông là nhân viên thương mại Josef Brecht. Ảnh: Daimler AG
Tuy thế, cỗ xe này có một vài nhược điểm: nó cực kỳ khó điều khiển ngay cả với bản thân nhà sáng chế, ông đã lái nó đâm sầm vào tường trong buổi ra mắt đầu tiên; may mắn là không ai bị thương. Cũng có thể nói rằng chiếc ôtô đầu tiên trên thế giới là chiếc Mercedes-Benz đầu tiên. Năm 1883, Karl sáng lập Benz & Cie., chuyên sản xuất động cơ đốt trong và sau đó phát triển thành công ty với ngôi sao ba cánh trên nắp ca-pô. Karl ra mắt phiên bản cải tiến, khi đó đã là Model 3, năm 1888 ở triển lãm quốc tế tại Paris, tại đây nhà tiên tri của thời đại mới đã nhận được khá nhiều sự chú ý từ công chúng.
Nhận thấy sự quan tâm của công chúng, Karl quyết tâm bán chiếc xe ra thị trường. Và đó là cách Benz Motorwagen, chiếc ôtô đầu tiên được bán thương mại, xuất hiện khắp nẻo đường trên thế giới. Giống như bất kỳ sản phẩm nào khác, để bán ra thị trường, chiếc xe này cũng cần được quảng cáo hay, bởi nó vẫn chưa có hộp số, phanh xe không hiệu quả và động cơ yếu, nên khi đối diện đồi dốc, nó ngừng tiến lên phía trước và chịu thua trọng lực. May mắn là người vợ dấu yêu Bertha của ông lại can thiệp, đây là người phụ nữ mà hầu hết những người mê xe cảm thấy biết ơn không kém gì bản thân Karl vì đã khiến ôtô trở nên phổ biến.
Chuyến đi dài năm 1888 của Bertha Benz
Năm 1888, xăng dầu chỉ được bán ở hiệu thuốc, và chỉ có vài ba chiếc xe hơi trên toàn thế giới. Chuyện đưa con cái đi thăm bà ngoại ở cách xa hơn 100 km, trong khi không thể nhờ cậy vào bất cứ sự trợ giúp dọc đường nào, dường như là việc không tưởng. Nhưng Bertha Benz nghĩ khác. Không cần hỏi ý kiến chồng, Bertha liều lĩnh kéo chiếc xe ba bánh của ông ra khỏi xưởng vào sáng sớm ngày 5/8/1888, lên đường cùng hai con trai, Eugen 15 tuổi và Richard 14 tuổi, tới thăm bà ngoại. Quãng đường đi là 105 km, và mãi tới tối cùng ngày bà mới đến nơi.

Bertha Benz ngồi bên cạnh chồng Karl Benz trên mẫu xe Benz Victoria 1894. Ảnh: Daimler AG
Không ai biết Karl cảm nhận ra sao khi ông nhận điện tín vào tối hôm ấy. Bức điện thông báo rằng vợ ông đã mang xe của ông đi và hiện giờ đang ở nhà mẹ đẻ. Bản thân chuyến đi cũng không dễ dàng. Thời ấy không có trạm xăng và Bertha dường như đã phải cầu Chúa để bà có thể tới được hiệu thuốc gần nhất, càng sớm càng tốt để nạp nhiên liệu. Cách nhanh nhất để bà đến nơi là chạy xe xuống đồi, bởi hầu như phanh trên xe của Benz có cũng như không - một quyết định đặt cược cả mạng sống.
Tình cảnh đó giúp Bertha nảy ra một phát minh mới. Bà dừng lại ở một thị trấn và nhờ người đóng giày địa phương gắn những miếng da vào má phanh để chúng kẹp vào bề mặt bánh xe được chặt hơn. Đó là cách mà thế giới tìm ra đệm phanh, và từ đó cũng biết được rằng, ôtô có thể đi được xa hơn nhiều so với việc chỉ lượn vài vòng trong sân vườn và làm hàng xóm nơm nớp sợ hãi.
Cuối thế kỷ 19, phát minh của Karl chiếm được cảm tình của đông đảo quần chúng, tuy chậm mà chắc. Những mẫu xe đầu tiên của Benz & Cie., Velo và Victoria, trở thành ôtô thương mại đầu tiên trên thế giới. Mẫu xe Victoria là ôtô đầu tiên sử dụng động cơ bốn thì và trục bản lề, do Benz sáng chế và chúng giúp việc điều khiển ôtô dễ dàng hơn trước rất nhiều. Năm 1899, khi Henry Ford vẫn đang ôm ấp ý tưởng của mình, Benz đã là nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới, ông sản xuất được 572 chiếc ôtô trong năm đó. Năm 1895, Karl Benz thiết kế chiếc xe tải đầu tiên, được Netphener chỉnh sửa một chút và trở thành chiếc xe buýt đầu tiên trên thế giới.
![[ảnh 4] Gia đình Karl và Bertha Benz trên mẫu xe Benz Victoria trong chuyến đi chơi gần Schriesheim năm 1894. Ảnh: Daimler AG.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/08/23/anh-4-jpeg-2357-1629689141.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pq1udpdw5M0tdQj9Oq5UBw)
Gia đình Karl và Bertha Benz trên mẫu xe Benz Victoria trong chuyến đi chơi gần Schriesheim năm 1894. Ảnh: Daimler AG
Benz cũng chính là người có công phát minh ra động cơ boxer, có piston nằm ngang đối xứng nhau, được sử dụng trên Porsche Boxster và những chiếc xe đua đến từ Nhật Bản như Subaru.
Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, xe có động cơ đốt trong được sử dụng nhiều hơn bao giờ hết. Ôtô bắt đầu thống trị thế giới nhanh như cách loài người tinh khôn (homo sapien) từng làm. Nhiều người có thể cho rằng Karl và gia đình ông hẳn sẽ hạnh phúc khi nhìn thấy cơ nghiệp cả đời ông gây dựng nay thành công mỹ mãn, nhưng trên thực tế, Benz & Cie. càng ngày càng rơi vào cảnh khó khăn. Lạm phát phi mã ở Đức khiến không một ai có tiền mua ôtô nữa, công ty của Benz đứng trên bờ vực phá sản. Năm 1926, Benz & Cie. sáp nhập với Daimler Motoren Gesellschaft, một công ty từng sử dụng động cơ của Karl cho ôtô của họ từ đầu thế kỷ 20.
Từ đó, công ty Daimler-Benz được thành lập, thương hiệu Mercedes-Benz của hãng này trở thành nhà sản xuất ôtô nổi tiếng bậc nhất thế giới trong gần 100 năm. Bản thân Karl đã cố gắng hồi sinh công ty của ông trước khi ông mất năm 1929 ở tuổi 84. Người bạn đời Bertha của ông mất năm 1944. Căn nhà nơi họ từng sống nay trở thành bảo tàng lưu niệm tôn vinh người đã có những công trình thay đổi thế giới. Năm 1984, tên tuổi của Karl được lưu danh trong Automotive Hall of Fame, bảo tàng ở Detroit, Mỹ vinh danh thành quả của những cá nhân có ảnh hưởng sâu sắc đối với ngành công nghiệp ôtô toàn cầu.
Mai Huyền (theo Daimler, Car Advise, Dyler)