Henry Ford không phát minh ra ôtô. Karl Benz đã làm được điều đó trước ông hàng năm trời. Ông cũng không phát minh ra dây chuyền lắp ráp, nhưng chắc chắn ông nổi tiếng vì điều đó. Khắp thế giới, người ta gọi Henry Ford là nhà cách tân, "cá mập" của ngành công nghiệp Mỹ. Ford có thể không phát minh ra bất cứ thứ gì nguyên gốc 100%, nhưng ông biết cách tiếp nhận những sáng kiến sẵn có và phát triển chúng thành điều gì đó phi thường. Henry Ford muốn đưa ý tưởng về chiếc ôtô dành riêng cho người giàu thành chiếc ôtô dành cho hàng triệu người dân Mỹ.
Những năm đầu đời
Hành trình của Ford bắt đầu từ năm 1863, ông là con của William và Mary Ford, gia đình ông sống trong một nông trại ở Dearborn, Michigan. Người lớn kể lại, từ bé ông đã là một đứa trẻ tò mò và táy máy bẩm sinh. Một dạo, cha ông tặng ông chiếc đồng hồ bỏ túi, thế là ông tháo nó ra thành từng mảnh và ghép lại thành chiếc đồng hồ của riêng mình. Ông mang kỹ năng này đi khắp thị trấn, tháo đồng hồ của bạn bè, của hàng xóm, đôi khi sửa chữa chúng, và sau đó ráp chúng lại thành chiếc đồng hồ hoàn chỉnh. Chẳng bao lâu, ông đã nổi danh là thợ sửa chữa đồng hồ ở địa phương.
Niềm đam mê với hệ thống cơ khí của Henry đưa ông tới thành phố Detroit năm 16 tuổi. Tại đây, ông bắt đầu làm việc với vai trò thợ máy tập sự. Một trong những công việc đầu tiên của ông là ở xưởng cơ khí Flowers Brothers, nơi ông kiếm 2,5 USD một tuần bằng việc gia công van đồng trên máy phay.
Năm 1882, Ford trở lại nông trại của gia đình nhưng chẳng có hứng thú gì với công việc đồng áng. Thay vào đó, ông miệt mài nâng cấp những chiếc máy chạy bằng hơi nước của nông dân địa phương, đồng thời nhận các công việc phụ ở nhà máy và đốn cây lấy gỗ.
Năm 1888, ông kết hôn với Clara Bryant, cô gái cùng quê ở nông trại kề bên. Mệt mỏi với việc điều hành xưởng cưa để nuôi gia đình, đôi vợ chồng trở lại Detroit năm 1891, ở đây Ford là kỹ sư làm thuê cho Công ty Điện Thắp sáng Edison của nhà phát minh ra bóng đèn điện Thomas Edison. Ford không biết nhiều về điện lực, nhưng ông coi công việc này là cơ hội để học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ. Dù đi bất cứ nơi đâu, ông vẫn mang trong mình trí tò mò mãnh liệt từ thuở bé.
Chỉ trong hai năm, Ford được đề bạt lên chức kỹ sư trưởng ở công ty của Edison. Đó là một công việc kỳ quặc, vì Henry phải sẵn sàng túc trực 24 giờ một ngày. Những lúc không làm việc, ông dành thời gian phát triển nguyên mẫu đầu tiên của chiếc xe hơi chạy xăng trong xưởng máy của mình.
Nhờ hậu thuẫn từ những người bạn đáng tin cậy nhất, nỗ lực của ông cuối cùng cũng được đền đáp bằng chiếc ôtô tự hành đầu tiên, có tên gọi Quadricycle. Động cơ hai xi-lanh, 4 mã lực, chạy xăng được gia cố trong chiếc khung kim loại nhẹ kèm 4 bánh xe trông như bánh xe đạp. Việc điều khiển được thực hiện qua chiếc cần gạt trông như cần điều khiển bánh lái trên thuyền. Cỗ xe chỉ có hai số tiến và không thể chạy lùi.
Công ty ôtô Ford ra đời
Với thành công chớm nở từ chiếc Quadricycle, Henry chế tạo cỗ xe thứ hai năm 1898 và bắt đầu thu hút được sự quan tâm của giới doanh nhân. Ford không biết chút gì về kinh doanh buôn bán, nên hai lần liên doanh đầu tiên của ông cuối cùng cũng thất bại. Các đối tác kinh doanh thấy nản lòng khi thoả thuận với Ford. Ông chỉ một mực muốn cải tiến ôtô của mình thay vì bán chúng ra thị trường.
Sau hai lần kinh doanh thất bại, Ford bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực khác, tập trung vào xe đua. Ông phát triển vài mẫu xe đua, thu hút hỗ trợ tài chính để chuẩn bị cho khởi đầu mới. Tháng 6/1903, Henry Ford và Alexander Malcomson, một người buôn than giàu có ở Detroit, sáng lập ra công ty ôtô Ford với số vốn 28.000 USD và 21.000 USD hứa hẹn nữa đến từ bạn bè, họ hàng và các mối quan hệ làm ăn khác.
Giấc mơ mà Ford vẫn luôn nuôi dưỡng cho những chiếc ôtô của mình đã trở thành hiện thực, tại công ty ôtô Ford. Ông không chỉ quan tâm đến việc chế tạo những chiếc ôtô hạng sang chỉ người nổi tiếng và giàu có mới có thể chi trả. Ông muốn bán ôtô cho cả những người Mỹ bình thường. Như Ford từng tuyên bố, "tôi sẽ chế tạo ôtô cho đông đảo nhân dân. Giá của nó sẽ thật thấp để bất cứ ai cũng có thể sở hữu".
Giấc mơ đó đã thành hiện thực với mẫu ôtô đầu tiên của công ty Ford, Model A. Chiếc đầu tiên được bán cho một nha sĩ ở Chicago vào tháng 7/1903. Năm 1904, hơn 500 chiếc Model A đã chạy khắp phố phường. Năm 1907, Ford tiếp tục ra mắt mẫu xe Model N động cơ 4 xi-lanh với giá chỉ 600 USD. Và đây mới chỉ là bước khởi đầu.
Model T và dây chuyền lắp ráp xuất hiện
Ngày 1/10/1908, lúc này Ford đang xây dựng ý tưởng chế tạo mẫu xe nổi tiếng nhất của ông, Model T. Chiếc "Tin Lizzie", biệt danh cho loại ôtô rẻ tiền này của Ford, là thành công bất ngờ tới chỉ sau một đêm. Nó dễ điều khiển, có thể đi trong điều kiện đường sá gập ghềnh, và việc bảo dưỡng rất đơn giản. Quan trọng hơn hết, giá của nó phù hợp với túi tiền của tầng lớp người Mỹ trung lưu.
Chẳng bao lâu sau, Ford nhận được nhiều đơn đặt hàng cho Model T đến nỗi ông không kịp sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu ồ ạt, Ford không chỉ xây dựng lại nhà máy lớn hơn ở Michigan, mà ông còn thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về việc chế tạo ôtô.
Trong những năm đầu sản xuất Model T, phải rất may mắn Ford mới lắp ráp được vài chiếc ôtô một ngày. Từ hai đến ba công nhân sẽ cùng tập trung lắp ráp một chiếc ôtô, sử dụng bộ linh kiện được sản xuất bởi các công ty khác. Năng suất cao nhất của quy trình chế tạo này tốn 12,5 giờ để hoàn thành một chiếc Model T. Ford muốn cắt giảm con số đó còn một nửa, và còn hơn thế nữa.
Henry và đội ngũ của ông bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật sản xuất của những ngành công nghiệp khác. Họ quan sát khu làm việc bên trong của những người thợ sửa đồng hồ, thợ làm súng, thợ làm xe đạp và thợ chế biến thịt. Sau đó họ góp nhặt tất cả những ý tưởng đó và tổng hợp lại thành một quy trình sản xuất. Quy trình đó sẽ cách mạng hoá cách họ chế tạo không chỉ ôtô, mà gần như vạn vật ở nước Mỹ.
Lập luận của Ford vào thời đó khá uyên thâm. Ông cho rằng nếu một công nhân ở nguyên một vị trí và thực hiện nguyên một nhiệm vụ, họ có thể chế tạo ôtô với năng suất cao hơn. Vào tháng 8/1913, ông dùng sợi dây thừng kéo khung của một chiếc Model T ngang qua sàn nhà ở nhà máy tại Michigan, và lắp ráp chiếc ôtô thành công với phương pháp mới. Hệ thống chế tạo mới này không chỉ cắt giảm thời gian sản xuất xuống một nửa. Từ việc làm một chiếc Model T trong 12,5 giờ, nay họ chỉ mất đúng 93 phút.
Việc tăng năng suất chóng mặt này cho phép Henry hạ giá chiếc Model T của ông xuống hàng trăm USD, nhưng điều này cũng tạo ra những vấn đề lớn hơn mà Ford buộc phải xử lý. Điều không ai dự kiến trước là tác động của những công việc lặp đi lặp lại đối với nhân công của ông. Tỷ lệ thôi việc trong phương thức sản xuất theo dây chuyền lắp ráp mới trở thành vấn đề đáng ngại, tới nỗi Ford phải thuê 1.000 công nhân cho mỗi 100 công việc mà họ phải thế vào. Nhưng nhân công vẫn rơi rụng liên tục.
Ford bắt đầu trả lương cho nhân viên của ông 5 USD một ngày, con số gấp đôi mức lương bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào đang trả. Bằng cách ấy, người ta lũ lượt kéo tới nhà máy của công ty Ford tìm việc. Tiền lương tăng lên không chỉ giúp ổn định biến động nhân sự, mà còn khiến nhân viên của ông đủ khả năng mua những chiếc ôtô do chính họ làm ra.
Tới năm 1922, một nửa số ôtô ở Mỹ là Model T và chúng được bán với giá rất rẻ, chỉ 269 USD. Henry Ford đã thành công trong việc hiện thực hoá mơ ước của mình.
Thăng trầm của Ford
Tới cuối những năm 1920, Henry Ford đã thống trị ngành công nghiệp ôtô với chiếc Model T. Năm 1919, bực bội vì các cổ đông can thiệp vào công ty, ông quyết định mua lại tất cả cổ phiếu và trở thành chủ sở hữu duy nhất. Tuy nhiên, dường như thứ quyền lực này đã che mờ sự sáng suốt của Ford.
Thành công vang đội của Model T thuyết phục Ford rằng đây là mẫu ôtô duy nhất mà mọi người cần đến. Ông bắt đầu phớt lờ các đối thủ cạnh tranh, các hãng xe đưa ra những mẫu ôtô đắt tiền hơn nhưng hợp thời trang hơn, như Chevrolet. Những người điều hành của Ford bắt đầu than thở về sự cần thiết của một mẫu ôtô mới, nhưng Henry để ngoài tai.
Cuối những năm 1920, không thể phớt lờ doanh số đang sụt giảm được nữa, Ford đã phải thực hiện một số thay đổi quyết liệt. Đầu tiên, ông sa thải hàng nghìn nhân viên và ngừng dây chuyền lắp ráp Model T để thiết kế mẫu ôtô hoàn toàn mới. Bấy giờ, Ford đã 64 tuổi và cơ bản là phải bắt đầu lại từ đầu.
Sau đó, ông dời tất cả các công việc sản xuất ôtô sang khu phức hợp công nghiệp quy mô lớn dọc bờ sông Rouge ở Dearborn, Michigan. Tại đây, Ford xây dựng một cơ sở sản xuất chưa từng có. Cơ sở này bao gồm tất cả những nguyên vật liệu và quá trình cần thiết để lắp ráp một chiếc ôtô hoàn chỉnh, bao gồm nhà máy thuỷ tinh, nhà máy thép và dây chuyền lắp ráp.
Quặng sắt và than được vận chuyển trên tàu thuỷ từ vùng Ngũ Đại Hồ và được chở vào bằng tàu hoả. Năm 1927, mọi bước tinh chế nguyên vật liệu và sản xuất linh phụ kiện cho ôtô của Ford đều được thực hiện tại chỗ. Đây là nhà máy lớn nhất thế giới sản xuất thép, thuỷ tinh, lốp xe, và các thành phần khác bất kể ngày đêm cho ôtô của Ford.
Tất cả những thay đổi này cuối cùng dẫn tới sự ra đời của mẫu xe Model A mới, là đòn bẩy để hãng xe Ford tiến về phía trước. Hai năm sau khi mẫu xe được ra mắt, thị trường chứng khoán tuột dốc vào tháng 10/1929, nhưng Ford có đủ khả năng vượt qua được bão tố nhờ vào thành công của Model A. Ông thậm chí còn tìm cách tăng lương cho nhân viên vào thời điểm mọi người đang xếp hàng đói ngấu trong những dãy phát thức ăn trợ cấp.
Cuộc cách tân cuối cùng
Model A chỉ duy trì được sức cạnh tranh khoảng bốn năm trước khi nó bị thay thế bởi cuộc cách tân vĩ đại cuối cùng của Henry Ford, động cơ V8. Khi mẫu V8 mới được ra mắt năm 1932, nó ngay lập tức chiếm được cảm tình của công chúng Mỹ. Mọi người đang thèm muốn những chiếc xe sang trọng hơn và mạnh mẽ hơn, V8 đáp ứng được với tốc độ gần 130 km/h.
V8 là chiếc xe được ưa chuộng không chỉ bởi công chúng Mỹ mà còn bởi những tên cướp nhà băng và gangster trong kỷ nguyên Suy thoái. John Dillinger, một trong những tên gangster nổi tiếng ở Mỹ, đã dành thời gian viết cho Henry Ford một lá thư về chiếc V8 của ông. "Xin chào, ông bạn già. Ông có chiếc xe hơi tuyệt vời đấy. Thật là thú vị khi lái chiếc xe như thế. Khẩu hiệu của ông đáng ra phải là ‘Lái xe Ford và xem những chiếc xe khác tụt lại phía sau bạn.’ Tôi có thể khiến bất kỳ chiếc ôtô nào khác hít khói xe Ford".
Bộ đôi tội phạm nổi tiếng Bonnie và Clyde cũng yêu thích chiếc V8 tới nỗi phải bày tỏ lời nhận xét đối với Ford. Clyde Barrow từng nói: "Cho dù công việc của tôi không được hợp pháp cho lắm, nhưng cũng xin khen ngợi vì ông đã chế tạo một chiếc xe rất tốt với động cơ V8".
Sự thành công của V8 giúp hãng xe Ford sống sót, nhưng tụt lại ở vị trí thứ ba sau General Motors và Tập đoàn Chrysler. Ngay sau đó thế giới chìm trong Thế chiến II. Ford theo chủ nghĩa hoà bình và đã hoạt động không mệt mỏi để khiến nước Mỹ tránh xa khỏi cuộc xung đột. Tuy nhiên, sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng, ông bị buộc phải tham gia vào trận chiến. Công ty của ông đã trở thành một trong những nhà thầu quân sự chủ yếu của quốc gia và cung cấp máy bay, động cơ, xe Jeep và xe tăng.
Henry sau này đã giao quyền điều hành công ty của ông cho cháu nội, Henry II. Ford dành phần còn lại của cuộc đời ông ở đồn điền của gia đình tại Dearborn, Michigan, nơi ông mất ngày 7/4/1947, thọ 83 tuổi.
Mai Huyền (theo Autodesk)