Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Từ bảy giờ sáng, tiếng loa từ cửa hàng bán giày mới khai trương đã bật vang dội một loạt bài hát sôi động. Tôi bực mình vì bị tiếng ồn quấy nhiễu khiến giấc ngủ của mình bị phá hỏng. Và rồi tôi tự hỏi có phải nhiều người chúng ta, đôi khi than thở hàng xóm bật nhạc, hát karaoke làm ồn nhưng chỉ biết âm thầm chịu đựng?
Thế là tôi bật dậy, thay quần áo và xuống tận cửa hàng đó yêu cầu tắt hoặc bật nhỏ tiếng lại. Người trong cửa hàng cười cười xuề xòa đi ra vặn loa nhỏ xuống. Tôi trở lên phòng và chỉ độ nửa tiếng sau, tiếng nhạc lại ầm ĩ như cũ. Lúc này, tôi chỉ biết ấm ức mà không còn cách nào khác, bởi không thể báo lên phường vì theo luật chỉ cấm làm ồn sau 22h.
Thế nhưng tiếng nhạc của cửa hàng quần áo chưa đáng sợ bằng những trò hát karaoke kiểu "tiếng hát át tiếng bom". Chẳng hiểu sao những vị hàng xóm của tôi lại thích hát đến thế. Một nhà thì chiều tối nào cũng hát đi hát lại mấy bài bolero sến sẩm, đắp mộ cuộc tình cả năm trời vẫn chưa xong. Một nhà thì làm nghề bán hủ tíu, vắng khách thì hai vợ chồng bật loa lên làm vài bản vọng cổ nhừa nhựa. Nếu cuối tuần nào có họ hàng, bạn bè tới nhà họ chơi thì cả xóm được thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc kéo dài từ trưa đến tối mịt.
>> Tôi thành nạn nhân của karaoke và ăn nhậu tại chung cư 'cao cấp'
Nếu góp ý vặn âm lượng nhỏ xuống thì họ bảo như vậy "không đã". Nếu làm căng thì họ sừng sộ lại, nếu mình căng tiếp thì sẽ xảy ra xô xát. Qua 22h mà họ vẫn hát, gọi điện cho công an phường xuống thì cũng chỉ nhắc nhở và họ ngừng ca, công an phường đi thì họ lại hát tiếp. Chưa kể không phải lúc nào gọi điện thì mấy anh công an phường cũng xuống.
Những vị hàng xóm thích hát đa phần không có thói xấu nào khác. Nhưng việc hát hò ầm ĩ của họ đã là một việc rất xấu rồi. Bởi lẽ nếu hàng xóm âm thầm bỏ rác, quét lá cây sang nhà thì tôi có thể mỉm cười độ lượng, chỉ vài nhát chổi là giải quyết được. Nhưng tiếng ồn từ âm thanh mang tính chất cưỡng bức, tức là bạn đang ở thế thụ động, không muốn nghe chỉ có nước bán nhà đi chỗ khác.
Nhiều người thích ca hát hay những kẻ bán hàng yêu âm nhạc có lời bào chữa là họ có quyền ca hát, bật nhạc tại nhà họ, tại cửa hàng của họ. Nhưng một khi để lọt những âm thanh đó qua nhà hàng xóm thì đã làm phiền và xâm phạm cuộc sống riêng tư của người khác rồi.
Âm thanh thì vô hình. Tiếng ồn từ karaoke chỉ được phát ra khi có người đang ca hát, cơ quan chức năng xuống thì họ tắt loa, thế là không đánh giá được mức độ gây ồn. Trong khi muốn lập biên bản xử phạt thì phải biết họ đang tạo ra âm thanh vượt quá bao nhiêu đề-xi-ben cho phép. Người dân bình thường đâu có mấy ai tự trang bị cho mình thiết bị đó để canh me nhà hàng xóm?
>> Ở chung cư, tôi 'ngạt thở' vì hàng xóm hát karaoke
Một bất cập nữa là quy định sau 22h không được phép làm ồn. Cuộc sống thành thị, nhiều người đi làm về nhà từ 17-18h. Khoảng thời gian này cho đến 23h là dành cho ăn uống, sinh hoạt gia đình, con cái học tập, cha mẹ làm việc nếu còn tồn động công việc...Sau 23h là giờ đi ngủ, như vậy quy định này có bất hợp lý hay không?
Đa phần mọi người bị tiếng ồn quấy nhiễu cuộc sống chỉ biết thỏa hiệp và chịu đựng, vì nếu làm căng sẽ mích lòng hàng xóm, còn trông mong vào cơ quan chức năng xử phạt và dọn dẹp ô nhiễm tiếng ồn thì là một điều xa vời.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Thiên Đăng